Thứ năm, 28/03/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Khắc ghi lời dạy của Bác về thi đua yêu nước

Yêu nước là sức mạnh mềm, là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, luôn gắn liền với bổn phận, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước, dân tộc. Bởi vậy, nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, nhằm nhân lên sức mạnh để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để phát động một phong trào quần chúng rộng lớn. Người chỉ rõ: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[1].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích của cách mạng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, tự do, giàu mạnh. Làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc và xây dựng một xã hội sung sướng, vẻ vang”[2]. Theo đó, mục đích của thi đua ái quốc đó là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: “Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”[3].

Trong lãnh đạo thi đua: phải tổ chức sơ kết, tổng kết thi đua và có khen thưởng thi đua. Tuy nhiên, khi có thành tích: “Tuyệt đối chớ tự kiêu, tự mãn chớ xa rời quần chúng. Phải luôn luôn nhớ rằng: thành tích là thành tích tập thể, anh hùng là anh hùng tập thể, chứ không phải thành tích và anh hùng cá nhân. Đó là vinh dự chung của dân tộc, chứ không phải là vinh dự riêng của cá nhân.”[4].

Trong phương pháp thi đua: phải là một phương pháp vận động cách mạng, nhằm huy động sự hăng hái đóng góp công sức, của cải của tất cả các tầng lớp nhân dân cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc, “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nhân và nông dân thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”[5]. Tóm lại, tất cả mọi người Việt Nam, hễ là người yêu nước đều có trách nhiệm phải tham gia các phong trào thi đua. Trong “Thư gửi nông dân thi đua canh tác” (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, thì đồng bào ở địa phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”[6]. Đồng thời, Người cũng kịch liệt phê phán tư tưởng khoa trương “phát” mà không “động”. Người yêu cầu lãnh đạo các cấp, các ngành khi phát động thi đua thì phải tổ chức tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra đôn đốc và tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, khen thưởng các cá nhân, tập thể đạt được nhiều thành tích, phê bình những người chưa hăng hái, hoặc coi thi đua chỉ là hình thức.

Trong phương châm thi đua, theo Bác, “Thi đua” không phải là “ganh đua” thuần túy, bất chấp mọi mánh khóe để đạt được thắng lợi, mà “Thi đua” phải là hình thức tổ chức để thu hút, lôi kéo quần chúng tham gia và cùng nhau tiến bộ. Bởi vậy, đối với từng đối tượng, phải biết tổ chức nội dung thi đua sao cho phù hợp, không câu nệ, phô trương, hình thức. Đồng thời, “Để đảm bảo phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: Một là, cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần và quyết tâm 30 phần”[7]. Tức là muốn thi đua có kết quả, thì ngoài công tác tuyên truyền cho mọi người hưởng ứng, cán bộ còn phải đi sâu đi sát phong trào, kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn và đặc biệt là phải quyết tâm thực hiện mục tiêu để giành thắng lợi. Chỉ có như vậy, thi đua mới trở thành phong trào của quần chúng và mới thực sự có ý nghĩa thiết thực.

Có thể thấy, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cả nước đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi và mạnh mẽ. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương nhân dân tăng gia sản xuất, ủng hộ kháng chiến. Khẩu hiệu: “Người người thi đua; Nhà nhà thi đua; Ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua!”, đã thực sự trở thành khẩu hiệu hành động của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đưa cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng loạt cuộc phát động hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới đã diễn ra mạnh mẽ. Điển hình là gió Đại Phong trong nông nghiệp (Quảng Bình), Sóng Duyên Hải trong công nghiệp (Hải Phòng), trống Bắc Lý trong giáo dục (Lý Nhân, Hà Nam), cờ “Ba nhất” trong quân đội… Có thể thấy, tất cả các ngành đều xây dựng được những điển hình, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.

Đặc biệt, giai đoạn đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam - Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Hãy đẩy mạnh phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, kiên quyết vượt mọi khó khăn, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam!”[8]. Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, cả nước lại dấy lên phong trào thi đua với các khẩu hiệu thi đua sản xuất giỏi, Ở miền Bắc với các khẩu hiệu: Vì miền Nam ruột thịt; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”; các phong trào “Ba sẵn sàng ” trong thanh niên; phong trào “Ba đảm đang” trong giới phụ nữ. Ở miền Nam, khẩu hiệu thi đua quyết thắng, giết giặc lập công, trở thành hành động của bộ đội ta trên khắp các chiến trường, động viên lớp lớp thế hệ Việt Nam xung phong ra chiến trường đánh Mỹ, thắng Mỹ.

Rõ ràng, thông qua phong trào “Thi đua ái quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người Việt Nam, từ mọi tầng lớp nhân dân, từ miền xuôi đến miền ngược, ra sức đóng góp công sức của mình cho đất nước. Qua thực tế lịch sử, qua phong trào thi đua, cả dân tộc ta đoàn kết thành một khối, biến trí tuệ, tinh thần của cải của đông đảo nhân dân thành sức mạnh, thành lực lượng vật chất để chiến thắng kẻ thù, đi đến thắng lợi cuối cùng trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ.

Hiện nay, dù tình hình, điều kiện khách quan, chủ quan có nhiều thay đổi, nhưng thực tế khẳng định rằng, ý nghĩa cao cả và tính thời sự của tinh thần thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị. Theo đó, các phong trào thi đua ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và cơ sở gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, Đảng đã đề ra khẩu hiệu thi đua như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”,  “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,… Có thể thấy, các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng, chủ đề, mục tiêu rõ ràng, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, đảm bảo thực hiện đồng bộ 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Đặc biệt, việc gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động quần chúng của Đảng đi đôi với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; coi trọng việc phát hiện, xây dựng điển hình và có nhiều hình thức, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan toả trong toàn xã hội hướng vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

74 năm qua, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, biến thành sức mạnh đưa cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời dạy của Người “càng khó khăn, càng phải thi đua” là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, qua đó “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”[9], tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển bền vững, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[10].

Cẩm Trang

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, tập. 7, tr. 406-407. 

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, tập 8, tr.265.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 5, tr.444.

[4] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 6, tr. 476.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, tập.5, tr.557.

[6] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, tập 6, tr,178-179.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, tập 5, tr. 388.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, tập 5, tr.434.

[9] [9] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H.2021,tập I, tr 46.

[10] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H.2021,tập I, tr.112.