Thứ tư, 24/04/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Giải pháp nâng cao công tác đánh giá cán bộ trên địa bàn tỉnh

Trong các khâu của công tác cán bộ, mỗi khâu có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau, thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong những năm qua, tỉnh ta đã kết hợp chặt chẽ các khâu để thực hiện công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của tỉnh. Trong đó, có thể nói, đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, là căn cứ để thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ, có ảnh hưởng đến tất cả các khâu của công tác cán bộ.

Công tác đánh giá cán bộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm; từ đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ.

Công tác đánh giá cán bộ của tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hàng năm và khi tiến hành quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã được thực hiện theo đúng Quyết định số 286-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị và Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ; đồng thời, thực hiện nghiêm công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên cuối năm theo quy định của Trung ương, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng. Nhìn chung, việc đánh giá cán bộ của tỉnh trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng, sắp xếp cán bộ; qua đánh giá đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời kiện toàn bộ máy cán bộ lãnh đạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đối với người đứng đầu để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Tuy nhiên, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ của tỉnh trong thời gian qua vẫn là khâu yếu, còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể: Một số trường hợp đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ, thiếu những phương pháp, cách làm hiệu quả, thiếu những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng cán bộ, nên khó định lượng và khó đánh giá trong thực tế, từ đó có những trường hợp cán bộ, công chức trong quá trình công tác vi phạm khuyết điểm nhưng đánh giá cán bộ không phát hiện ra, chỉ khi có đơn thư khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra mới phát hiện. Điều này cho thấy, việc nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức ở những địa phương, cơ quan, đơn vị này còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thiếu khách quan, sâu sát, có biểu hiện nể nang, né tránh, sợ mất lòng hoặc không nắm chắc cán bộ, nên không phát hiện sai phạm của cán bộ.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, cần thực hiện một số nội dung sau:

- Quán triệt để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng trong công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; xem đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, làm tiền đề cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý, qua đó phát huy được năng lực, sở trường của mỗi cán bộ, đảng viên.

- Xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sát với từng nhóm chức danh cán bộ, từng đối tượng cán bộ cụ thể; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo. Coi trọng và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, đồng thời, chú trọng việc mở rộng dân chủ rộng rãi trong Đảng và quần chúng nhân dân để giám sát trong công tác đánh giá cán bộ.

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đánh giá cán bộ đối với cấp dưới. Đồng thời, sẽ xem xét, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để công tác nhận xét, đánh giá cán bộ thực hiện một cách qua loa, hình thức, nhận xét đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất.

Nguyễn Vương Duy Tân - Ban Tổ chức Tỉnh ủy