Thứ sáu, 29/03/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Cách mạng Tháng Tám ở Đắk Nông và bài học về tập hợp sức mạnh của quần chúng trong đấu tranh cách mạng

Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, các nhà sử học trên thế giới đều có một nhận định về tính điển hình rằng: cách mạng giành thắng lợi không phải bằng bạo lực vũ trang, thay cho tiếng súng nổ là bài ca cách mạng của quần chúng nhân dân trên các đường phố, các vùng nông thôn, miền núi để khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy, tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong khắp cả nước. Điều đó cho thấy, sự đúng đắn của Đảng ta trong việc đề ra chủ trương, chính sách, đề ra các khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, nhằm lối cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng.

Thực tế, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú trọng công tác lãnh đạo, tổ chức và vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia phong trào cách mạng. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức đường lối cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, đặc biệt là do vị trí địa lý, địa hình có nhiều khó khăn, vì vậy phong trào đấu tranh của đồng bào vùng Nam Tây Nguyên trong thời gian đầu chưa tiếp nhận được ánh sáng cách mạng của Đảng. Chỉ đến khi thực dân Pháp tiến hành xây dựng nhà đày Buôn Ma Thuột và sau đó là nhà ngục Đắk Mil để giam cầm các chiến sĩ cộng sản thì nhà đày trở thành trường học cách mạng, nơi gieo mầm tư tưởng cách mạng vào trong quần chúng nhân dân. Từ đó, việc tổ chức vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông mới được bắt đầu và từng bước phát triển.

Có thể khẳng định, Đảng Cộng sản đến với phong trào đấu tranh của các dân tộc Tây Nguyên, đến với nhân dân Đắk Nông bằng một con đường riêng, đó là Nhà tù Buôn Ma Thuột, Nhà ngục Đắk Mil. Ban cán sự Ngục Đắk Mil khi ra đời đã xác định: “Tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong tù để bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần cho tù nhân; giáo dục, bồi dưỡng đảng viên và tù nhân về lý tưởng cách mạng, phương pháp hoạt động nhằm giữ vững khí tiết cộng sản và chuẩn bị hoạt động sau khi ra tù; tiến hành móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng trong nhà tù và vùng xung quanh, trước hết là trong binh lính và quần chúng người dân tộc thiểu số tại địa phương; tổ chức các cuộc vượt ngục, đưa cán bộ về cho Đảng và phong trào cách mạng. Trong đó, quan trọng nhất là việc tổ chức vượt ngục, xây dựng cơ sở cách mạng trong binh lính, trong quần chúng, hướng phong trào theo đường lối của Đảng”[1].

Theo đó, trong quá trình hoạt động đấu tranh trong tù cũng như việc phải đi lao dịch, các tù nhân luôn tranh thủ mọi cơ hội, tiến hành tuyên truyền, vận động, giác ngộ trước hết là binh lính người Thượng - một đối tượng được thực dân Pháp tuyên truyền và tin tưởng giao cho việc cai quản và đàn áp tù nhân, khi có điều kiện tranh thủ vận động nông dân quanh nhà lao và đồng bào trong vùng. Qua tuyên truyền, vận động và đặc biệt là những tấm gương đấu tranh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cộng sản đã có sức cảm hóa mạnh mẽ, giác ngộ tinh thần yêu nước đối với những người trực tiếp cai quản tù nhân và khi điều kiện cho phép, họ đã có tác động đối với nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng. Đến cuối năm 1944, những chiến sĩ cộng sản vận động, xây dựng được những cơ sở cách mạng trong hàng ngũ lính khố xanh. Do đó, những đơn vị lính khố xanh người Ê đê, M’Nông, từ chỗ là công cụ bạo lực của thực dân Pháp đã dần giác ngộ tinh thần yêu nước, đoàn kết Kinh - Thượng.

Các chiến sỹ Ngục Đắk Mil tổ chức vượt ngục nhằm xây dựng cơ sở cách trong quần chúng (Mô hình phục dựng tại Nhà Trưng bày Ngục Đắk Mil)

 

Thực tế lịch sử vận động cách mạng Tháng Tám ở Đắk Nông cho thấy rằng, cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) và gần đến ngày giành chính quyền, cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc còn rất mỏng, chỉ mới lẻ tẻ có một số công chức, trí thức và binh lính người dân tộc là nòng cốt của cách mạng. Bằng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau, các đảng viên cộng sản đã tìm cách vận động, tập hợp quần chúng, mà trọng tâm là đi vào giác ngộ đội ngũ công nhân đồn điền là lực lượng chiếm đại bộ phận trong đội ngũ công nhân ở Đắk Nông.

Cùng với đó, quá trình vận động nông dân và đồng bào các dân tộc thông qua đội ngũ công nhân ở đồn điền, để cho đường lối, chương trình Việt Minh bắt đầu đi vào đồng bào dân tộc ở các buôn làng. Từ đó, hình thành khối công – nông – binh liên hiệp của Đảng trong đấu tranh cách mạng.

Khi thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến, Trung ương Đảng và Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng ra lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước trên phạm vi cả nước.

Ngày 14-8-1945, mặc dù chưa nhận được chỉ thị của cấp trên, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk triệu tập Hội nghị chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh tại thị xã Buôn Ma Thuột.

Tối ngày 17-8-1945, Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk tiến hành cuộc khởi nghĩa mở màn tại đồn điền Ca Đa và giành được thắng lợi, đây là cuộc khởi nghĩa từng phần giành thắng lợi đầu tiên ở Đắk Lắk.

15 giờ ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột với hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, Gia Rai, M’Nông và 500 lính bảo an binh được giác ngộ cách mạng đã quay súng về với cách mạng. Tại các huyện và buôn trong tỉnh như Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Rlấp, Krông Nô dưới sự lãnh đạo của cán bộ, hội viên Việt Minh, nhân dân đã đứng lên giành chính quyền thắng lợi.

Tại huyện Đắk Mil, ngày 23-8-1945, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai bù nhìn, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện.

Tại huyện Đắk R’Lấp, đồng bào các buôn khu vực Ba Biên Giới nổi dậy tham gia mít tinh lớn tại buôn Bu Prăng với cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, mừng cách mạng thành công. Sau đó lần lượt mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng ở các Tổng, đập phá tượng đài Hăngrimet và dựng bia kỷ niệm anh hùng Bớ N'Trang Lơng tại ngã ba biên giới.

Tại huyện Đắk Nông (lúc này thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng) diễn biến cuộc đấu tranh giành chính quyền gặp nhiều khó khăn hơn. Đến 28-8-1945, được sự hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Viên, tổng khởi nghĩa mới giành thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Tây Nguyên anh hùng.

Có thể khẳng định rằng, sức mạnh quần chúng nhân dân là vô cùng to lớn và mạnh mẽ, bài học về tập hợp và phát huy sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trong Cách mạng Tháng Tám ở Đắk Nông vẫn còn nguyên giá trị. Từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đã xác định, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc phải luôn được xem là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Do đó, Đảng bộ tỉnh bên cạnh việc quan tâm, làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo thì công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cachs Hồ Chí Minh” là trọng điểm, thường xuyên. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng công tác dân tộc trong tình hình mới; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”. Qua đó, Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn sát cánh cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng khối đại đoàn kết, đưa Đắk Nông phát triển toàn diện.

Cẩm Trang

 

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, NXB. CTQGST, HN 2018, tr. 62.