Thứ năm, 25/04/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của ý chí, quyết tâm và khát vọng giải phóng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với tuyến vận tải quân sự chiến lược mang tên Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân ta.

Một quyết định lịch sử

Đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: “Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam đã bước vào một giai đoạn mới và ngày càng trở nên gay go, quyết liệt... Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết… Miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ này với tất cả khả năng của mình trên nguyên tắc góp sức đẩy mạnh cách mạng miền Nam nhưng vẫn giữ vững hòa bình ở miền Bắc... Việc chi viện cho miền Nam có tính chất lâu dài và toàn diện”[1]

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP, thành lập Đoàn 759 Đoàn Vận tải quân sự đường biển, với nhiệm vụ “mua sắm phương tiện, vận chuyển các loại hàng tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển”[2]. Để rồi, 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành chiếc cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, chi viện trực tiếp cho những chiến trường xa nhất, khó khăn nhất là Nam Bộ, Nam Trung Bộ và vùng ven biển Khu 5. 15 năm ấy, những chuyến tàu lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam, “đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Những con tàu ấy đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch”[3]

Đầu năm 1962, Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, đẩy mạnh bình định, lập Ấp chiến lược ở nhiều vùng nhằm thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Trước tình hình đó Bộ Chính trị nêu rõ, nhiệm vụ trước mắt của quân, dân miền Nam đó là: “Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, giành và giữ vững thế chủ động, đẩy địch vào thế bị động hơn nữa, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, tiến lên xây dựng một lực lượng vũ trang lớn mạnh cùng với toàn dân đánh bại quân thù”[4]. Từ đây, Đoàn 759 bước vào giai đoạn thực hiện vận chuyển, tiếp tế cho chiến trường miền Nam vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm vào Nam.

Tháng 8-1963, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định chuyển giao Đoàn 759 từ Bộ Tổng Tham mưu về trực thuộc Cục Hải quân, tạo thuận lợi để hải quân trực tiếp chỉ đạo, đẩy mạnh vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam những năm tiếp theo. Đến ngày 3-01-1964, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân. Tiếp đó, Bộ quyết định thay phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, biên chế 2 tiểu đoàn vận tải và 1 tiểu đoàn huấn luyện nghiệp vụ (hàng hải, cơ điện, súng pháo, thông tin). Nhiệm vụ của Đoàn 125 chủ yếu vẫn là chở vũ khí vào các tỉnh Nam Bộ; nghiên cứu mở tiếp các bến ở cực nam Trung Bộ và Khu 5 khi thời cơ thuận lợi. Phương châm vận chuyển là nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật và an toàn.

Những con tàu “không số” - biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam

Có thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường không dấu được hình thành từ những con tàu “không số” là kết quả của sự sáng tạo độc đáo, sáng tạo từ phương tiện đến cách thức thực hiện và cả nguồn nhân lực làm nhiệm vụ vận tải. Đồng thời cũng cho thấy đường lối, chủ trương của Đảng triển khai tuyến vận tải biển là một quyết định đúng đắn mang tầm chiến lược.

 Ngày 16-10-1962, chiếc tàu mang phiên hiệu “Phương Đông 1”, chở 30 tấn vũ khí cặp bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Đây là chuyến đi đầu tiên của đoàn tàu không số khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển. Và, bến Vàm Lũng (Cà Mau) đã đi vào lịch sử là bến đầu tiên, đón con tàu đầu tiên của tuyến đường vận tải huyền thoại.

Tháng 10-1964, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông-Xuân 1964-1965, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực của địch, mở rộng vùng giải phóng. Để chuẩn bị cho chiến dịch, Bộ Tư lệnh Miền điện ra Bộ Tổng Tham mưu xin tàu chở vũ khí vào Bà Rịa. Sau những ngày đêm vượt biển, ngày 22- 12- 1964, tàu C56 đã vào bến Lộc An, kịp thời phục vụ bộ đội tác chiến, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Bình Giã. Đây là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Có thể thấy, suốt từ cuối năm 1962 đến đầu năm 1965, Đoàn tàu không số như những con thoi lặng lẽ, âm thầm rời, cập bến, đương đầu với biết bao khó khăn, vất vả, hiểm nguy của sóng gió biển khơi và sự rình rập của kẻ thù để tổ chức vận chuyển vũ khí, đạn dược vào Khu 5 và chiến trường Nam Bộ.

Công tác vận chuyển trên biển đang phát triển thuận lợi thì ngày 01-02-1965, Tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô (Phú Yên). Sau “sự kiện Vũng Rô”, tuyến vận tải trên biển của ta bị địch phát hiện, chúng tiến hành phong tỏa gắt gao, chúng phá hoại kho tàng, bến bãi tiếp nhận hàng ở các khu vực Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tìm phương thức vận chuyển mới, đảm bảo bí mật, an toàn hơn. Theo đó, Quân chủng Hải quân đã tìm ra phương thức vận chuyển mới là cho tàu đi vòng ra hải phận quốc tế, chấp nhận xa hơn nhưng tránh được sự kiểm soát gắt gao của địch, tiếp tục vận chuyển vũ khí tới các chiến trường.

Khi Hiệp định Pari được ký kết (27-01-1973), cùng với sự phát triển nhanh chóng của tuyến đường Trường Sơn thì Đoàn 125 được lệnh tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến đầu năm 1975, tuyến đường vận tải quân sự chiến lược trên biển Đông được tái khởi động với nhịp độ mau lẹ, khẩn trương để thực hiện sứ mệnh lịch sử là kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng, với sức mạnh của “một ngày bằng hai mươi năm”, chỉ tính riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, “Đoàn 125 đã huy động 143 lần chiếc tàu ra khơi, hành trình  65.721 hải lý, chở được 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 lượt cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu, đánh chìm 1 tàu PCR, đánh bị thương 3 tàu khác, gọi hàng một tàu, bắt 42 tên địch”[5], góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Có thể thấy, để mỗi khẩu súng, viên đạn được đưa đến chiến trường miền Nam đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của đồng bào, chiến sĩ. Mỗi chuyến đi là mỗi lần quyết tử, chấp nhận hy sinh. Bởi, khi mỗi chuyến tàu “không số” ra khơi, các thủy thủ đoàn không chỉ đối phó với địch mà phải đối mặt với cả những cuộc chiến với sóng to, gió lớn, những lúc bệnh tật, nhiều khi phải phá hủy cả con tàu để bảo vệ bí mật đường vận chuyển. Và, chính trong khó khăn, vất vả ấy lại là lúc có thể cảm nhận rõ nhất tình cảm chân thành, thắm thiết giữa những người chiến sĩ, tình đồng đội, đồng chí, tình cảm quân dân. Trên hành trình đầy hiểm nguy mà cũng đầy tự hào đó, nhiều chuyến hàng được vận chuyển đến các bến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Khu 5 an toàn nhưng cũng có một số chuyến cán bộ, chiến sĩ ta phải chiến đấu quyết liệt với máy bay, tàu chiến địch. Nhưng, địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác. Địch phát hiện ra cách thức vận chuyển này, ta tìm ra phương thức vận chuyển khác.

Hình ảnh những con tàu thô sơ, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả; vượt qua sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân của Mỹ-ngụy để đi đến các chiến trường. Khó khăn là thế, nhưng vượt lên tất cả, hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, về bến; hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hàng chục ngàn cán bộ chiến sỹ đã từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn, đáp ứng kịp thời cho các chiến trường miền Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến sống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Để làm nên con đường huyền thoại trên Biển Đông, công tác đào tạo cán bộ, thủy thủ đoàn được tiến hành khẩn trương và sáng tạo, độc đáo như tập lấy hướng, lái tàu bằng phương pháp hàng hải thiên văn, địa lý… nhờ đó những chiến sỹ tàu “không số” có thể ngụy trang thành tàu cá địa phương, có thể vượt biển trong những ngày dông bão mà không cần có hải đồ, la bàn. Trong quá trình vận chuyển, các chiến sỹ còn biết chọn đúng thời cơ; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến, cập bến ở nhiều điểm; đi trên nhiều cung, tuyến khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, hải phận quốc tế; địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn, địch bám đuôi, ta đi ra vùng biển quốc tế, khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu để giữ bí mật.

Có thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, trở thành biểu tượng của ý chí giải phóng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Đúng như Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu, của các con tàu “không số” của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta... Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển”[6].

Cẩm Trang

 

[1]  Hồ sơ số 285 - Phòng Quân ủy Trung ương, Hồ sơ lưu tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng.

[2] Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2015), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 98.

[3] https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/tau-khong-so--nhung-cau-chuyen-huyen-thoai-94643.html

[4] Văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Tập1, Nxb Sự thật, H.1985, tr.139,140.

[5] Bộ Tư lệnh Hải quân: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2015), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 201.

[6] Điện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 nhân kỷ niệm 35 năm mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-1996), Lưu trữ Văn phòng Đảng ủy Quân Hải quân.