Thứ bảy, 27/04/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Những nội dung cốt lõi trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” bao gồm 464 trang, tập hợp 29 bài viết, diễn văn, phát biểu tiêu biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước, trong và sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tác phẩm đã đề cập đến các vấn đề chung cũng như các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hoá, con người; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Với cách viết chính luận, logich, quyết liệt, thẳng thắn nhưng rất dung dị, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, truyền cảm hứng cho người đọc.

Tác phẩm là kết tinh trí tuệ sâu sắc, kế thừa qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Điều đặc biệt của tác phẩm, trước hết, tác giả chính là nhà chính trị đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam; nhà khoa học, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học; tác phẩm cũng đặc biệt bởi không chỉ cung cấp tri thức lý luận chính trị, mà còn chỉ đạo toàn diện, cụ thể trên những vấn đề lớn của đất nước và truyền cảm hứng cho người đọc. Cuốn sách đã được đón nhận, hưởng ứng tích cực, đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Mỗi bài viết đều có sức cảm hoá, lan toả, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Mục tiêu của tác phẩm nhằm phục vụ việc tuyên truyền, học tập, giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức, hiểu đúng, hiểu rõ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII; phục vụ nghiên cứu, tổng kết lý luận về đường lối Đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chuẩn bị xây dựng các Văn kiện Đại hội XIV; bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái.

 Bài viết sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, dựa trên cơ sở học thuyết Mác - Lê-nin, bài viết đã trình bày chi tiết và đầy đủ lý luận cho các câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Ý nghĩa thực tiễn của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam hơn 90 năm qua?

Thứ nhất, Chủ nghĩa xã hội là gì? Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến bất công xã hội tư bản chủ nghĩa cũng như mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa tư bản là lợi nhuận, thước đo của nền văn minh là đời sống vật chất, nơi xã hội dựa trên lợi ích cá nhân, quyền lực chủ yếu vẫn nằm trong tay số ít người giàu có và phục vụ lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Từ đó, tác phẩm đã dẫn giải: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dung vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” (Tr 21-22). Rõ ràng, xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. 

Thứ hai, Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Tác giả viết: “CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ.” (tr. 18-19). Nhưng, Chủ nghĩa tư bản không phải là sự lựa chọn của chúng ta!, bởi “CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó, đó là: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái…Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội” (tr. 20).

Từ đó khẳng định vai trò của chủ nghĩa xã hội hiện thực, khẳng định, CNXH là xu thế phát triển của lịch sử loài người, “Ði lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. (tr23), điều đó hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ra đi tìm đường cứu nước, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (HCM, Tr.2); “Chỉ có CNXH và CNCS mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đêm lại cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”. Từ đó,Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” (Tr. 23).

Tác giả chỉ rõ về con đường đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở nước ta: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”. (tr.25). Và rõ ràng, “Con đường đi lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và nhân dân ta. “…nhất thiết phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”. (tr.25).

Thứ ba, Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Tác giả đã đánh giá đúng sự sụp đổ của mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô và Đông Âu và đặt ra câu hỏi: “…Bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước XHCN Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH….Thực tế có phải như vậy không?”. (Tr.17). Rõ ràng, sự sụp đổ của mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô và Đông Âu chính là sụp đổ của một mô hình trong thực tế. V.I. Lênin đã từng cảnh báo một trong những nuy cơ của Đảng Cộng sản cầm quyền là quan liêu và sai lầm đường lối. Vì vậy Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tiền phong, gương mẫu trong thực hành đạo đức cách mạng, về bản lĩnh chính trị và về nâng cao năng lực làm việc.

Thực tế, ngay từ 4-1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: “Vì sao Đảng cộng sản Liên Xô tan rã?” đăng trên Tạp chí Cộng sản, tác giả đã chỉ ra 5 nguyên nhân, đó là: 1) không xác lập đúng đắn sự lãnh đạo của Đảng, buông lơi công tác xây dựng Đảng; 2) phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng; 3) coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng; 4) xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân, không được nhân dân ủng hộ; 5) từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi. Như vậy, có phải CNXH đã lỗi thời? Khẳng định chắc chắn rằng, CNXH không hề lỗi thời.

Trả lời cho câu hỏi: Chúng ta đang và sẽ làm gì? Trước hết, xác định 8 đặc trưng XHCN ở Việt Nam; Thứ hai, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, “sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa” (tr. 29); Thứ ba, Xác định 8 phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ.

Thứ tư, khẳng định ý nghĩa thực tiễn của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam hơn 90 năm qua, Tổng Bí thư khẳng định, quá trình xây dựng CNXH của nước ta, nhất là trong 35 năm đổi mới mặc dù còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết nhưng thành tựu là to lớn, có ý nghĩa lịch sử khá toàn diện. Thành tựu đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến các lĩnh vực khác. Điều này phản ánh niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Thực tiễn sự nghiệp đổi mới với những thành tựu to lớn mà Tổng Bí thư khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Không có một lực lựng chính trị nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có thể khẳng đinh, cuốn sách tài liệu quý, vừa có giá trị lý luận, vừa có giá trị thực tiễn sâu sắc, nhất là tổng kết lý luận về đường lối đổi mới, những phát triển sáng tạo riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam về mô hình CNXH Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh Đắk Nông, thông qua việc tổ chức Hội nghị sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Tác phẩm, toàn Đảng bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về CNXH, khẳng định mô hình và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về CNXH, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện tốt Kế hoạch số 51-KH/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, chú trọng đưa nội dung tác phẩm tích hợp trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận, chính trị của Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện, thành phố; hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo nghề, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, học viên, học sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chính trị, tư tưởng gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra.

Cẩm Trang