Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, tổ chức đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Người nhấn mạnh: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”[1]. Theo đó, trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào công nhân Việt Nam, ngày 28/7/1929, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay.
Có thể khẳng định rằng, trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới từng bước đi, bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Người thường xuyên quan tâm đến công tác Công đoàn và phong trào công nhân lao động; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện và chỉ dẫn về công tác Công đoàn. Trực tiếp Bác Hồ đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích của tổ chức công đoàn: “Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”[2]; đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong lúc nước tập trung chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, vừa “kháng chiến, vừa kiến quốc”, Bác vẫn rất quan tâm chăm lo cho tổ chức Công đoàn và đề ra nhiệm vụ và quyền lợi cho tổ chức công đoàn là: “phải là một chức đơn giản, vững vàng, có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho chính phủ trong việc xây dựng đất nước”[3].
Bác Hồ thăm công nhân ngành dệt 8-3 năm 1965.(Ảnh: Tư liệu)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh sự quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức, Bác Hồ cũng luôn luôn nhắc nhở kêu gọi giai cấp công nhân vận động phong trào Thi đua ái quốc. Từ sáng kiến của Bác, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua nổi tiếng và đạt được những kết quả vô cùng to lớn như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, “Tăng gia sản xuất vũ khí”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, “Thi đua 2 tốt” ... đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phong trào công nhân và lịch sử Công đoàn nước ta.
Đối với cán bộ Công đoàn, Bác căn dặn: “Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu hiểu quản lí kinh tế, khoa học kỹ thuật…”[4] và “phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng”[5]. “Phải cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghiệp vụ,… cố gắng vươn lên để không ngừng tiến bộ”[6]. Phải kiên quyết thực hiện đấu tranh trong nội bộ công nhân, viên chức để gạt bỏ những thói hư tật xấu của giai cấp bóc lột cũ còn rớt lại. Cán bộ công đoàn không những phải giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế; không thể lãnh đạo chung chung. Phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng tạo điều kiện cho họ nắm được những hiểu biết khoa học, kỹ thuật.
Có thể nói, suốt đời phấn đấu vì lợi ích của dân tộc, của giai cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời về đạo đức, về nhân cách và đặc biệt là tình yêu bao la đối với nhân dân lao động, Bác dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiên phong này. Đúng như lời nhận xét: “Một điểm nổi bật trong đạo đức của Hồ Chí Minh là lòng yêu nước. Nhưng ở đây không phải là lòng thương người siêu giai cấp, trừu tượng, mà là tình thương yêu giai cấp đối với công nhân, tình yêu thương rộng lớn đối với nhân dân lao động, đối với những người cùng khổ”[7].
93 năm qua, nhằm hiện thực hóa tư tưởng của Bác “giữ gìn lợi quyền cho công nhân”, cùng sự phát triển của lịch sử xã hội Việt Nam, Công đoàn Việt Nam vẫn luôn là tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân do chính công nhân, lao động tự nguyện lập ra, để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, lao động. Đó là một trong những chức năng cơ bản nhất của Công đoàn Việt Nam, được cụ thể hóa trong Hiến pháp, Luật Công đoàn và các luật có liên quan.
Là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.
Đại hội đại biều toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”[8]. Đồng thời, “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; tập trung làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, tập thể công nhân. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”[9].
Đối với tỉnh Đắk Nông, để thực hiện tốt chủ đề đã đề ra, ngay từ đầu năm 2022 các cấp công đoàn trong tỉnh Đắk Nông đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, động viên CNVCLĐ trong tỉnh phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua lao động sản xuất phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022.
Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Lễ phát động “Tháng Công nhân, Tháng An toàn, vệ sinh lao động năm 2022”
Theo đó, các cấp công đoàn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Riêng trong tháng công nhân (4/2022), Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông đã trao 218 suất quà với tổng trị giá 126 triệu đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động mắc COVID-19; tặng 49 suất quà, trị giá 24,5 triệu đồng cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phân bổ 1,2 tỉ đồng từ Chương trình “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ xây mới 24 căn nhà cho đoàn viên khó khăn; phân bổ 480 triệu đồng từ Quỹ “Vì đoàn viên công đoàn nghèo” cho các công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố nhằm chia sẻ, động viên đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống…
Riêng đối với các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, phong trào đề ra từ đầu năm. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên và người lao động được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. trng 6 tháng đầu năm 2022, Công đoàn Viên chức tỉnh đã tặng 134 suất quà; chi hỗ trợ 66 đoàn viên bi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà Mái ấm công đoàn; giải ngân 6 suất vốn vay từ Chương trình “Vì đoàn viên công đoàn nghèo”… cho đoàn viên, người lao động nghèo. Các công đoàn cơ sở thăm hỏi tặng quà tết cho đoàn viên nghèo gần 1,5 tỷ đồng…
Có thể khẳng định, với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, tổ chức công đoàn đã xác định chủ đề hoạt động năm 2022 là “Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”. Bằng những hoạt động thiết thực, các cấp Công đoàn, mỗi cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động cần luôn luôn phấn đấu và không ngừng học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh.
Cẩm Trang
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t. 2, tr.302.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t. 8, tr. 297.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t. 4, tr. 477.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.12, tr. 568.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.8, tr. 295.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.13, tr. 435.
[7] Trường Chinh - Hồ Chủ tịch, lãnh đạo kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Nxb. Sự thật, H. 1965, tr.57
[8] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGT, H.2021, tập I, tr.166.
[9] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGT, H.2021, tập I, tr.166.