Thứ bảy, 23/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Để nêu gương thực sự trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm

Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên nhằm tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[1].

Theo Người, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, trong đó, chủ yếu trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc, “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”[2]. Đồng thời, xây phải đi đôi với chống, bởi, “Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”[3]. Vì chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh chính, đẻ ra trăm thứ bệnh và nhiều thói hư tật xấu trong cán bộ, đảng viên. Do đó, nêu gương chính là phương thức hữu hiệu nhất để phòng chống chủ nghĩa cá nhân.

Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác chính là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người, mọi thời đại cần phải học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức của Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Bởi, Người nhận thức rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[4]. Do vậy, khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Người càng ra sức tự hoàn thiện để trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn.

Thực tế, trong mỗi giai đoạn cách mạng và đòi hỏi của cuộc sống mà tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên có nội dung, yêu cầu cụ thể khác nhau, thể hiện tập trung trong nhiệm vụ của đảng viên ghi trong Điều lệ Đảng. Đặc biệt hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đang diễn ra trong bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều thuận lợi, thời cơ và không ít thách thức, nguy cơ. Tình hình đó càng đòi hỏi các đảng viên của Đảng phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu để góp phần giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị, với toàn xã hội.

Những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như: Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về những điều đảng viên không được làm”... Qua đó, có rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu, từ đồng chí Tổng Bí thư cho đến các đảng viên ở cơ sở. Đó là kết quả đáng tự hào mà công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đem lại; là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy đổi mới toàn diện, đồng bộ và tạo ra những thành quả cách mạng to lớn của đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhận thức và thực hiện trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế nên kết quả chưa được như mong muốn, “Trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện “lợi ích nhóm”, chủ nghĩa cá nhân, thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, thậm chí suy thoái, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”[5], hay “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu, chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật”[6].

Trên cơ sở đó, Đại hội XIII (2021) xác định: “Phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”[7]. Đồng thời, đưa phương pháp nêu gương vào 3 trong 10 trọng tâm công tác xây dựng Đảng thời gian tới và nhấn mạnh: “Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”[8]. Như vậy, nêu gương tiếp tục được Đảng ta coi trọng, đồng thời đặt lên một tầm cao mới. 

Phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu (Ảnh: Internet)

Để thực hiện tốt điều đó, Đại hội XIII xác định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên, “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”[9]. Đây là những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Đặc biệt, điểm mới của Đại hội XIII là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên với tiêu chí “6 dám” thông qua chính sách khuyến khích và cơ chế bảo vệ, “có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”[10]. Đây được coi là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời là cơ sở để cán bộ, đảng viên vững tâm, vững lòng hơn khi có những đổi mới sáng tạo vì sự phát triển, vì lợi ích sự nghiệp chung của đất nước.

Ngày 18-5-2021, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu cần phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, báo chí và Nhân dân, nhằm đánh giá đúng thực chất việc thực hành trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 “Về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Qua đó, đưa nội dung làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của từng ngành, từng cấp gắn với việc sinh hoạt chi bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII (4-10-2021) xác định: “Đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu… Kiên quyết chống biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm””[11].

Có thể thấy, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tiếp tục được cọi trọng và nâng tầm là bước tiến quan trọng, đột phá trong nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Do đó, để nêu gương thực sự trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phải thực hành nêu gương trong tư duy, diễn đạt, công tác, ứng xử, sinh hoạt; tự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng nhằm hoàn thiện hình mẫu “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”; đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ từng tổ chức Đảng - vấn đề tuy không mới nhưng là yêu cầu bức thiết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Cẩm Trang - Trường Chính trị tỉnh

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, HN.2002, tập 12, tr.558.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, HN.2011, tập 7, tr.55.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, HN.2002,  tập 11, tr.373.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQGST, HN.2002, tập 1, tr.263.

[5] Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013-2020.

[6] Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

[7] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, HN 2021, Tập I, tr.41.

[8] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, HN 2021, Tập II, tr.238.

[9] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, HN 2021, Tập II, tr.237.

[10] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, HN 2021, Tập I, tr.42.

[11] Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. CTQGST, HN.2021, tr.95.