Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Nông đã, đang nỗ lực trong công tác chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người dân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Bên cạnh những kết quả tích cực thì ngành BHXH cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Những kết quả đáng ghi nhận
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 14/4/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2023 toàn tỉnh có 43.000 người tham gia BHXH, trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc trên 33.500 người, số người tham gia BHXH tự nguyện trên 9.500 người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 28.000 người. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt 11% lực lượng lao động. Dân số tham gia BHYT đạt gần 547.000 người, tỷ lệ bao phủ 81,5% dân số.
Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Bình quân mỗi năm có trên 7.800 lượt người được giải quyết hưởng mới BHXH; trên 600.000 lượt người khám chữa bệnh BHYT; trên 6.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng tiếp tục được ngành BHXH chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 85/85 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai KCB BHYT bằng Căn cước công dân gắn chip với hơn 185.000 lượt tra cứu thông tin thành công; hơn 164.000 người đăng ký cài đặt và sử dụng ứng dụng "VssID-BHXH số”. Trong năm 2023, người dân có thể đăng ký mua thẻ và đóng tiền BHYT trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia mà không cần đến trực tiếp các điểm dịch vụ thu BHYT.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh
Khó khăn và thách thức
Thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và là bài toán nan giải đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, BHXH tỉnh Đăk Nông đang quản lý hơn 2.000 đơn vị tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Theo báo cáo đến tháng 9/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH toàn tỉnh đã lên đến 70 tỷ đồng, đáng chú ý, trong số các đơn vị chậm đóng BHXH thì không chỉ số tiền chậm đóng lớn mà còn có nhiều đơn vị để chậm đóng kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Cùng với tình trạng chậm đóng BHXH tăng cao thì hiện nay tình trạng người lao động mất việc làm, nhận BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê, năm 2022 có hơn 4.300 người tăng 69% so với 2021; trong đó riêng 9 tháng đầu năm 2023 có trên 4.400 người, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động mất việc làm vì ảnh hưởng của 3 năm đại dịch Covid-19 dẫn đến cuộc sống quá khó khăn, người lao động cần đồng tiền chi tiêu trước mắt.
Tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và khuynh hướng rút BHXH 1 lần ngày càng gia tăng thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, tạo lòng tin cho nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc và có giải pháp căn cơ hơn để xử lý thu hồi giảm tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng như tình trạng rút BHXH 1 lần như hiện nay.
Bên cạnh đó, mục tiêu bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan đối với sức khỏe nên không mặn mà với việc tham gia BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân nên chưa thu hút được người dân tham gia BHYT và đến KCB. Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ khiến cho số người tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, mặc dù BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình tuy nhiên đến nay vẫn còn khoảng 35 ngàn người dân tộc chưa tham gia BHYT đây là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.