Tròn 15 năm ra đi tìm đường cứu nước, nhất là khi Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc - cách mạng vô sản do giai cấp công nhân lãnh đạo, cùng với quá trình giác ngộ, thức tỉnh giai cấp công nhân Việt Nam, Người rất quan tâm đến việc chuẩn bị ra đời công đoàn, tổ chức đại diện của người lao động. Không chỉ là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ còn là người đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập, phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân - người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc viết: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Ngày 28/7/1929, Công hội Đỏ Bắc Kỳ được thành lập; năm 1983, Đại hội V Công đoàn Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Sau 93 năm, cuốn Đường Kách mệnh ra đời, 91 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, những lời dạy của Người về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Ngày ngày, các tổ chức công đoàn, các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn luôn nhận thức sâu sắc là làm sao cho Công đoàn Việt Nam ngày một lớn mạnh, làm tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết người lao động. Tổ chức công đoàn tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động nâng cao nhận thức, trình độ về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, pháp luật …; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo môi trường rèn luyện, cống hiến tài năng của đoàn viên, người lao động cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình”.
Từ thực tế yêu cầu đặt ra, phát huy truyền thống Công đoàn Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Nông luôn làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là các chính sách, chế độ liên quan đến người lao động. Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động. Làm tốt công tác nữ công, phối hợp với người sử dụng lao động bảo đảm quyền của lao động nữ, chăm lo lợi ích cho lao động nữ, nhất là lúc ốm đau, thai sản, nuôi con nhỏ, lao động trong môi trường độc hại … Công tác công đoàn thực hiện phương châm hướng về cơ sở, lấy đoàn viên là đối tượng phục vụ, công đoàn cơ sở là địa bàn hoạt động. Công tác thi đua - khen thưởng được quan tâm, ưu tiên người lao động trực tiếp, lao động nữ, công việc nặng nhọc, độc hại; người có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các điển hình tiên tiến có sức lan tỏa rộng lớn trong hệ thống công đoàn và toàn xã hội.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức vận động, quyên góp trong đoàn viên, người lao động, các mạnh thường quân, với phương châm “lá lành đùm lá rách”, tổ chức Tết Sum vầy chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn mỗi độ tết đến, xuân về. Duy trì Quỹ “Mái ấm công đoàn”, hằng năm, hỗ trợ xây nhà cho trên 30 công nhân, lao động, với số tiền trên 1,5 tỉ đồng. Duy trì và không ngừng phát triển Quỹ “Đoàn viên công đoàn nghèo”, đến nay, đã có trên 170 đoàn viên, người lao động vay, với số tiền trên 3,4 tỉ đồng; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, 50 trường hợp vay, với số tiền 970 triệu đồng. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị, chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người lao động trong diện dôi dư, bảo đảm điều kiện để người lao động chuyển đổi việc làm, ngành nghề phù hợp. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID - 19, Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động, tích cực tuyên tuyền chủ trương của Đảng, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh; biện pháp, giải pháp thực hiện cách ly xã hội để góp phần giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong toàn hệ thống công đoàn, bảo đảm ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động. Chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quyên góp ủng hộ cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh, nhất là ủng hộ vật chất, tinh thần cho các lực lượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch của tỉnh; thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; làm tốt công tác thi đua - khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
Trong điều kiện khó khăn chung của địa phương, các cấp công đoàn trong tỉnh đã nỗ lực, cố gắng chăm lo cho đoàn viên; kết quả tuy chưa nhiều, song trên hết là tình cảm tổ chức công đoàn dành cho người lao động, điều đó đã, đang và sẽ góp phần xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thực sự là “Tổ ấm của người lao động”.
Trọng Nhương