Cách mạng Tháng Mười Nga tạo ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử nước Nga; kết thúc thời kỳ lịch sử do giai cấp bóc lột kế tiếp nhau thống trị nước Nga, mở đầu một thời kỳ lịch sử của giai cấp công nhân và nông dân lao động Nga đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng nền chuyên chính vô sản. Cách mạng Tháng Mười Nga xóa bỏ sự bóc lột giữa người với người, xóa bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công; đưa nước Nga trở thành trung tâm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong xóa bỏ áp bức, bóc lột, đưa giai cấp công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, biến ước mơ, nguyện vọng hàng trăm năm của quần chúng lao động về một chế độ xà hội không còn bóc lột, áp bức, bất công và biến lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học thành hiện thực sinh động ở nước Nga Xôviết.
Điểm mấu chốt có tính triệt để cách mạng và nhân văn của Cách mạng Tháng Mười Nga là thủ tiêu chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất - nguồn gốc của sự nô dịch giai cấp, dân tộc và con người; tiến tới xây dựng một xã hội không còn người bóc lột người. Là cơ sở để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; mở đầu một kỷ nguyên mới gắn mục tiêu phát triển với các mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã chứng minh một cách sinh động nhất tính chất triệt để, sâu sắc và toàn diện của cách mạng xã hội chủ nghĩa so với bất kỳ cuộc cách mạng xã hội nào trước đó trong lịch sử nhân loại. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân nhiều nơi đã thành lập các Xôviết như: Hunggari, Xlôvakia. Nhiều nơi khác giai cấp công nhân đã bãi công, chiếm xí nghiệp của giai cấp tư sản, nông dân nổi dậy chiếm ruộng đất của địa chủ, nêu cao khẩu hiệu “noi gương nước Nga”.Từ đó, nhiều đảng đã được thành lập như các Đảng Cộng sản Đức, Áo, Hunggari, Ba Lan, Phần Lan...
Ngày nay, lợi dụng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xôviết ở Liên Xô và Đông Âu, không ít những luân điệu đã cố tình phản bác, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, sự nỗ lực đấu tranh giải phóng giai cấp, dân tộc và con người của nhân dân Liên Xô và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, phủ nhận những giá trị ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, khẳng định, những sai lầm dẫn đến đổ vỡ trong quá trình hiện thực hoá lý tưởng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là sự sụp đổ một mô hình chủ nghĩa xã hội đã không còn phù hợp với sự biến đổi mới của thời đại. Đó không phải là sự sụp đổ về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, càng không phải sự kết thúc lịch sử của chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học.
Giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga về hiện thực hoá lý tưởng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ tiếp tục được phát huy ở các nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các đảng cộng sản kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, quyết tâm hiện thực hoá lý tưởng ấy thông qua đổi mới, cải cách với những bước đi thích hợp.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga ảnh hưởng to lớn đến thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Việt Nam yêu nước đầu tiên tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Người đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, làm thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[1].
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Từ khi ra đời đến nay, các cương lĩnh, đường lối của Đảng là thành quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện lịch sử mới. Do vậy, đường lối đó đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng và lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, phản ánh sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn đó của cách mạng Việt Nam đã gắn bó Đảng với nhân dân bằng cả chiều dài và cả chiều sâu lịch sử, không có lực lượng chính trị nào thay thế được vị trí, vai trò đó của Đảng trong lòng dân tộc.
Trung thành với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định con đường Cách mạng Tháng Mười Nga để qua 94 năm từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới toàn diện đất nước, những lý tưởng nhân văn và nhân đạo cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”[2].
Hiện nay, mặc dù tình hình thế giới có diễn biến phức tạp, nhanh chóng cùng nhiều yếu tố mới, bất ngờ, xuất hiện các rủi ro trong cả ngắn hạn và dài hạn, tác động đa chiều đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, nhưng với những quyết sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực tế, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của Đảng, nền kinh tế Việt Nam đã cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn của Việt Nam, Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn Việt Nam”[3]. Đây chính là nền tảng tư tưởng đã soi đường, dẫn lối để “tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”[4].
Cẩm Trang
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. tr.300.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I., tr.104.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 94.
[4] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 23.