Thứ sáu, 17/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sức khỏe của con người là vốn quý nhất, là nguồn của cải của xã hội, có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp cách mạng, kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, việc bảo vệ, quan tâm chăm sóc sức khỏe Nhân dân chính là chăm lo cho sự phát triển của dân tộc, cho sự phát triển của đất nước và là trách nhiệm, đạo lý của Ðảng trước Nhân dân, trước dân tộc, “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”[1]. Quan điểm về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đề cập cụ thể, từ vấn đề rèn luyện thân thể để nâng cao thể chất, sức đề kháng chống lại bệnh tật, ốm đau cho đến vệ sinh môi trường; xây dựng các công trình y tế dân sinh, trong chăm lo xây dựng đời sống mới, về y đức vẫn luôn vẹn nguyên giá trị nhân văn cao cả và luôn là động lực, phương hướng cho sự phát triển của nền y tế nước ta.

Sức khỏe là vốn quý nhất

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”[2]. Trong tác phẩm Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội (3-1961), Người khẳng định: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”[3] và khẳng định tính tất yếu của việc rèn luyện nâng cao sức khỏe cho mỗi người và cho toàn dân “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công”[4].

Theo Bác, phải hiểu sức khoẻ không chỉ đơn thuần là sự khoẻ mạnh về thể xác mà còn là cả sự khoẻ mạnh trong đời sống tinh thần: “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”[5]. Cho nên, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người không những về mặt thể chất mà còn cần chú trọng cả về mặt tinh thần “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”[6]. Cùng với đó, Người khuyên đồng bào phải chủ động, tự giác rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể chất qua giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống trong lành. Bản thân Bác là một tấm gương sáng trong việc rèn luyện, chăm sóc sức khỏe. Người tự làm gương thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thể thao, “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”[7].

Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh

Không chỉ có chữa bệnh mà phòng bệnh là cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, trong đó vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ chính là cách tốt nhất để phòng bệnh, “Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khoẻ mạnh thì làm được việc”[8]. Cho nên, đối với mỗi người dân thì gắng sức làm sao để “Làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng”[9]; còn đối với mỗi làng xã, thì “vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi”[10]. Việc giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mọi người, “Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống”[11]. Để làm được điều đó, ngành y phải “Ðánh thông tư tưởng của quần chúng bằng mọi cách tuyên truyền giáo dục rộng khắp”[12]. Có thể khẳng định, những căn dặn của Bác vẫn luôn có giá trị vững bền công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay.

Xây dựng nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng, Đông Tây y kết hợp

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và của cả xã hội, “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[13]. Vì vậy, Người chủ trương phải xây dựng nền y học theo nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng, đồng thời, “chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”[14] trong khám, chữa bệnh. Do đó, trong những ngày toàn dân ta đẩy mạnh kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 36-SL, ngày 27-3-1946 Quy định tổ chức Bộ Xã hội, trong đó có Nha Y tế Trung ương (tiền thân của Bộ Y tế) nhằm xây dựng nền y dược hiện đại, bảo đảm chăm lo sức khỏe cho đồng bào. Thực tế, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, chăm lo tới ngành Y tế, trong suốt thời gian từ năm 1947 đến năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 20 bức thư gửi ngành Y tế và viết rất nhiều bài báo về ngành Y tế, hay trong những lần đi thăm các bệnh viện, trạm xá, bên cạnh việc động viên, khen ngợi, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành Y tế nước nhà.

Lương y phải như từ mẫu

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành y rất toàn diện. Người thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, hy sinh, sự tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết học tập tiến bộ và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên ngành Y. Đặc biệt, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế, ngày 27 tháng 2 năm 1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh Lương y phải như từ mẫu.

Theo Bác, cán bộ ngành y vừa là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phải mẫu mực về đạo đức cách mạng, giàu lòng nhân ái, yêu thương người bệnh như chính những người thân yêu, ruột thịt của mình, Người nhấn mạnh rằng, “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”[15], “Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. “Lương y phải kiêm từ mẫu””[16].

Có thể nói, những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ y tế vừa sâu sắc, toàn diện, vừa thiết thực, cụ thể, từ quan tâm xây dựng y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân, củng cố lòng tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ y tế. Để rồi, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” hiện nay là hình ảnh cao đẹp nhất về những người thầy thuốc – người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Là biểu hiện cụ thể, sinh động của truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước. Đó còn là kết quả của sự vận dụng lời cǎn dặn của Bác trong việc thực hành đạo đức và chuẩn mực nghề y của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam.

Có thể khẳng định, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế nước ta vượt qua mọi khó khan, thử thách và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y tế nước nhà. Hiện nay, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, điều đó một lần nữa đòi hỏi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt.

Cẩm Trang

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.11, tập 4, tr.241.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.154.

[3]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.70.

[4]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.241.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.241.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd tập 5, tr.487.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.241.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.114.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.118.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.119.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.114.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.488.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 9, tr.518.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd tập 9, tr.344

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.343.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.154-155.