Cách đây 74 năm, sau ngày độc lập, đất nước ta trong bộn bề khó khăn, giặc đói, giặc dốt, thù trong, giặc ngoài hoành hành, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong khi cùng Chính phủ và quốc dân đồng bào căng mình chống chọi với giặc giã, đói kém, bệnh tật, Bác Hồ có thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây Cu (ngày 19/4/1946). Trong thư, Bác Hồ khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no dói giúp nhau.
… Chúng ta phải yêu thương nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
… Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đồng bào miền Nam nói chung, các dân tộc thiểu số nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đoàn kết, nhất tề đứng lên làm cuộc trường chinh kháng chiến cứu nước, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, làm tròn sứ mệnh “đi trước, về sau”, “thành đồng Tổ quốc”, cùng cả nước giành thắng lợi to lớn trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Sát cánh cùng đồng bào miền Nam, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông luôn đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chớp thời cơ khi nhiều địa bàn chiến lược ở Tây Nguyên được giải phóng, cùng với lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông nhất tề nổi dậy, tấn công, truy kích, tiêu diệt dịch và tiếp quản thị xã Gia Nghĩa (thuộc huyện Khiêm Đức, tỉnh Quảng Đức cũ). Ngày 23/3/1975, Gia Nghĩa sạch bóng quân thù, cờ giải phóng phấp phới tung bay, toàn thị xã tràn ngập niềm vui chiến thắng.
Sau 45 năm giải phóng, từ một vùng đất nghèo, đầy khói lửa chiến tranh, quân và dân thành phố Gia Nghĩa và tỉnh Đắk Nông không ngừng nỗ lực vươn lên viết tiếp bản hùng ca chiến thắng trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đời sống nhân dân ngày ấm no, hạnh phúc. Từ năm 2004 đến nay, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách đạt 2.600 tỉ đồng, gấp 14 lần so với ngày thành lập tỉnh; hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) còn 13,51%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn 38,57% (trước đây trên 50%); văn hóa - xã hội phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày một hiệu lực, hiệu quả, công tác đối ngoại phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Thành tựu hôm nay, bắt nguồn từ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trực tiếp là 40 dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất Đắk Nông thân yêu dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Năm 2020, năm “về đích” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương; đặc biệt, là năm diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Thấm nhuần Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam và thiết thực thực hiện chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”, phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, xin được trao đổi một số nội dung sau đây:
Trước hết, về Đảng (trực tiếp ở cơ quan, đơn vị, địa phương là tổ chức đảng). Đảng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Tổ chức đảng phải thực sự đoàn kết, đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Trong hoạt động của tổ chức đảng, đặt lợi ích của tập thể, nhân dân lên trên hết, trước hết. Ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân, tổ chức đảng không có lợi ích nào khác; công khai, dân chủ, khách quan, kịp thời; đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng gương mẫu, nêu gương, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm là yếu tố quan trọng góp phần tăng cường đoàn kết trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Đoàn kết trong tổ chức đảng làm mực thước cho đoàn kết cơ quan, đơn vị, trong nhân dân.
Đối với Nhân dân, Nhân dân là chủ, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Nhân dân phát huy quyền dân chủ, hăng hái tham gia mọi phong trào do Đảng, đoàn thể phát động. Chủ động tham gia xây dựng pháp luật nhà nước, nghị quyết của Đảng; hiến kế với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo và quản lý xã hội; giám sát hoạt động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên; tham gia phản biện xã hội.
Thạch đá khắc toàn văn Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku,19-4-1946, tại thành phố Pleiku
Đảng - Nhân dân là chủ thể của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó Đảng là hạt nhân lãnh đạo; trong Nhân dân có Đảng, trong Đảng có Nhân dân; Nhân dân sinh thành, nuôi dưỡng, chở che con người của Đảng; trở lại, Đảng là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Trong mọi cuộc cách mạng của dân tộc từ ngày có Đảng, dân với Đảng không thể tách rời; Đảng là đầu tàu, là ngọn đuốc soi đường, Nhân dân là lực lượng bảo đảm cho cách mạng thắng lợi: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết, hữu cơ và biện chứng. Với vai trò và những đóng góp to lớn của Đảng cho lịch sử, dân tộc, toàn dân ta tin tưởng, kiêu hãnh và tự hào bằng hai tiếng “Đảng ta”.
Đoàn kết trong đảng, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết Đảng với Nhân dân góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh vô địch để Đắk Nông bứt phá, cùng cả nước tiến lên.
Trọng Nhương