Chủ nhật, 19/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Chiến thắng Điện Biên Phủ, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, trận Điện Biên Phủ lịch sử nói riêng là kết tinh sức mạnh và ý chí tự lực tự cường của toàn dân tộc Việt Nam. Chính tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí tự lực tự cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là nhân tố cơ bản, quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “đó cũng là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”[1].

Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, “Tất cả vì Điện Biên Phủ”,  với ý chí tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính, toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng biến thành hành động. Từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến các khu căn cứ địa ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thượng Lào, từng đoàn xe tải, xe đạp thồ, đoàn ngựa thồ đã không quản khó khăn, gian nguy, vượt thác, qua ghềnh vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men ra mặt trận. Hàng vạn dân công, thanh niên xung phong ngày đêm trèo đèo, lội suối vận chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho mặt trận; mở đường, sửa đường dưới sự uy hiếp, bắn phá của máy bay địch; tham gia cứu thương, xây dựng kho tàng... Cùng với việc cung ứng trực tiếp cho chiến dịch, các tầng lớp nhân dân trong cả nước đã chiến đấu sát cánh với bộ đội, chủ động tiến công, tiêu hao sinh lực địch, phục vụ tích cực cho quân ta chủ động mở một loạt đợt tiến công địch trên nhiều hướng. Đánh giá về tinh thần đại đoàn kết toàn dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp nhiều công sức như trong Đông - Xuân 1953-1954 để chi viện cho quân đội đánh giặc... Bọn đế quốc... không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”[2].

Cùng với sức mạnh của truyền thống yêu nước, của đại đoàn kết toàn dân thì một trong những nguyên nhân giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là bộ đội ta luôn nắm chắc, làm chủ tình hình, chủ động về mặt chiến lược, điều chỉnh phương châm tác chiến kịp thời, bố trí lực lượng phù hợp. Đó là nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ quân sự với chính trị, tác chiến với binh vận, tiêu diệt địch với phát động quần chúng giành quyền làm chủ; phối hợp chặt chẽ tác chiến của ba thứ quân, của các binh chủng, quân chủng, đánh du kích và đánh tập trung, đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn. Đó là sự chi viện, ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới và cả nhân dân Pháp; đặc biệt là tình đoàn kết, kề vai sát cánh, liên minh chiến đấu, cùng chung chiến hào chống thực dân Pháp xâm lược của quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương…

Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ có giá trị lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, để lại nhiều bài học quý giá đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một là, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nắm vững lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã bám sát thực tiễn, nhất là về tương quan lực lượng, cục diện trên chiến trường từ đó lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân sáng tạo, linh hoạt, lần lượt đánh bại các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh của địch, đập tan hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong bối cảnh hiện nay, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, cần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nhân tố hàng đầu bảo đảm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong diễn biến phức tạp và khó dự báo của tình hình khu vực và quốc tế.

Hai là, chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện sinh động của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.

 Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chính nghĩa, trong đó sức mạnh chiến tranh nhân dân được phát huy cao độ. Nét đặc sắc của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện. Đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa và bè bạn khắp năm châu đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hiện nay, trước bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, đặt ra yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó nghiên cứu, vận dụng sáng tạo bài học phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Ba là, chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; mà điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao. Đặc biệt, việc thay đổi phương châm tác chiến chính là nét đặc sắc, sáng tạo nhất và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Rõ ràng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nghệ thuật quân sự đỉnh cao, cùng ý chí quyết tâm của toàn quân, sự ủng hộ, chi viện của toàn dân, sau 56 ngày đêm chiến dấu kiên cường và anh dũng, quân và dân ta làm nên một thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững tin dám đánh, quyết đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau này. Hiện nay, trong sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng cốt lõi xuyên suốt chỉ đạo đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng là lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, là nhân tố quyết định thắng lợi. Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình và ngược lại, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định chính là để đất nước phát triển bền vững.

Bốn là, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học có tính nguyên tắc, quyết định là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Với tỉnh Đắk Nông, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, phát huy những lợi thế, tiềm năng; chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy sức mạnh đoàn kết và nội lực của 40 dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững.

Cẩm Trang

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H. 1996, tập 11, tr.220.

[2] Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.158-159.