Theo đó, tỉnh Đắk Nông đã phát hành các cuốn sách: “Lịch sử Đường hành lang chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (1954-1975)”, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (1930 - 2015). Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn. Tổ chức thành công cuộc thi viết Tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ và truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh Đắk Nông năm 2019 (Cuộc thi có trên 18.000 bài thi, kết quả đã trao tặng Giấy khen cho 18 cá nhân và 4 tập thể có thành tích xuất sắc); triển khai hiệu quả cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” (năm 2019), “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” (năm 2020) do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Ở cấp huyện, đã có 9/12 đơn vị cấp huyện biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ địa phương, trong đó, năm 2018 - 2020 đã hoàn chỉnh, phát hành sách: Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Nô, tập 2 (1995 - 2015), Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông (1930 - 2015) đang biên soạn các đề tài như: Lịch sử Đảng bộ huyện Cư Jút (1945 - 2020), Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk Mil (1930 - 2020), “Một số trận đánh trong hai cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, “Lịch sử Phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Đắk Nông (1929 - 2019)”.
Hiện có 9/71 xã, phường, thị trấn triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, trong đó, phát hành đến bạn đọc 06 cuốn lịch sử xã: Nâm Nung, Đạo Nghĩa, Quảng Sơn, Đắk N’Drung, Nam Dong, Kiến Đức, Quảng Phú... Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố đã tích cực triển khai công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử. Đến nay đã xuất bản cuốn Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Krông Nô (1945 - 2015); đang triển khai biên soạn: Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đắk Mil (1945 - 2015); Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đắk GLong (1945 - 2020); Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Cư Jút...
Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, như: tổ chức hội thảo khoa học; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống thành lập cơ quan, ban, ngành; tổ chức và tham gia có hiệu quả nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống của Đảng, đất nước, địa phương, như: Cuộc thi viết Tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ và truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh Đắk Nông; cuộc thi tìm hiểu chiến sỹ hải quân và biển đảo quê hương; thi tìm hiểu về 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và ngày Toàn dân thực hiện bảo vệ an ninh Tổ quốc (1945 - 2020); thi trực tuyến tìm hiểu 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai, phát động. Hàng năm, tăng cường thông tin tuyên truyền thông qua kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh như: tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn; Hội thảo An toàn khu xã Quảng Trực; Lễ Công bố các xã được công nhận là xã An toàn khu của tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực triển khai các chương trình hoạt động về nguồn, các diễn đàn, chuyên đề, gặp mặt nhân chứng lịch sử, thăm di tích lịch sử kháng chiến thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia, cơ bản đã đưa nội dung lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, ngành học, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh. Các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như: di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Song và huyện Tuy Đức; di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh, Các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo, Địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm chiến thắng đồi 722 - Đắk Sắk ... đã được tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, sách, ấn phẩm, hội thảo, trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube, twitter ... Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Qua đó, góp phần định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử cách mạng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng của tỉnh Đắk Nông còn một số hạn chế: Một số cấp ủy, địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai công tác tác lịch sử Đảng; chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống của sở, ban, ngành, địa phương. Số lượng các công trình lịch sử đảng bộ cấp xã, lịch sử truyền thống của các sở, ban, ngành, đoàn thể xuất bản chưa nhiều; hầu hết các sở, ban, ngành chưa biên soạn lịch sử truyền thống. Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng có thời điểm chưa kịp thời, một số địa phương chưa quản lý, khai thác hiệu quả những địa danh, di tích lịch sử trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến còn những khó khăn, hạn chế...
Bước sang năm 2021, với khí thế thực hiện thành công nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, tỉnh Đắk Nông tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 72-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (trực tiếp là Viện Lịch sử Đảng) trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng của các công trình lịch sử Đảng bộ địa phương. Thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định bản thảo lịch sử trước khi xuất bản. Phấn đấu đến 2025 đạt 100% các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy viết lịch sử đảng bộ; 40% số xã phường, thị trấn biên soạn và phát hành sách lịch sử đảng bộ; 20% các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh biên soạn, phát hành sách lịch sử truyền thống. Đồng thời, tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Phạm Lục - BTGTU