Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Ngày 03/9/1946, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, thành lập Chính phủ lâm thời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”[1].
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã thành công trên cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản đông ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Chỉ 2 tháng sau khi cuộc bầu cử thành công, Quốc hội nước ta đã họp kỳ họp đầu tiên vào tháng 3-1946 thành lập nên Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và tại Kỳ họp thứ hai (11-1946) thông qua bản Hiến pháp 1946 - hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Thắng lợi của Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Là kết quả của sự hi sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hi sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[2].
Trước hết, Tổng tuyển cử đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội, từ đó cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đồng thời, cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện chủ quyền Nhân dân.
Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn vơi Tưởng ở miền Bắc. Trong điều kiên như vậy, cuộc Tổng tuyển cử thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt.
Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Đó là Quốc hội lập quốc, hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Quốc hội đã có đại diện của tất cả các hế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời. Quốc hội đã hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội, từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, các thành phần tôn giáo trên đất nước, các thành phần dân tộc của tất cả những người không đảng phái và các đảng phái chính trị. Tổng tuyển cử thắng lợi mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chính phủ Hồ Chí Minh đã có tư cách pháp lý để chính thức đàm phán ngoại giao với các quốc gia khác, kể cả Pháp, Nhật, Trung Hoa. Điều đó được khẳng đinh trong năm 1950, khi được 9 nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.
Hai là, cuộc Tổng tuyển cử tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới: tự do bầu cử, ứng cử của công dân, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết”[3]. Cùng với đó, những quy định của các Sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ ràng, cụ thể và triệt để những nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ, đó là nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó là các Sắc lệnh như: Sắc lệnh số 14/SL về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội); Sắc lệnh số 34/SL, ngày 20/9/1945 lập một Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hóa; Sắc lệnh số 39/SL lập một Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51/SL, ngày 17/10/1945 quy định thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 71/SL, ngày 02/12/1945 về việc bổ sung thể lệ Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 72/SL để bổ khuyết Sắc lệnh số 51-SL về thủ tục ứng cử và bổ sung số đại biểu bầu cho một số tỉnh; Sắc lệnh số 76/SL hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 06/01/1946 và gia hạn nộp đơn ứng cử đến hết ngày 27/12/1945.
Ba là, việc tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất.
Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 Sắc lệnh số 51/SL về thể lệ Tổng tuyển cử quy định về vận động bầu cử. Cụ thể: “Được tự do vận động những cuộc vận động không được trái với nền dân chủ cộng hòa. Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc tri an đều bị cấm” (Điều 3). “Những yết thị, biểu ngữ, truyền đơn phải đưa Ủy ban nhân dân địa phương kiểm duyệt và dán ở những nhà công cộng” (Điều 6) …Trên thực tế, các cuộc vận động và tuyên truyền về Tổng tuyển cử diễn ra sôi nổi và phong phú khắp cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là Báo Cứu quốc, Báo Sự thật giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh chống lại sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập. Đặc biêt, tờ Nhật báo Quốc hội đã nêu rõ giá trị của Tổng tuyển cử, giới thiệu khả năng, thành tích, chương trình của những người ứng cử.
Cách tuyên truyền, vận động bầu cử cũng độc đáo và sáng tạo. Có nơi, cán bộ phải ở cùng với dân cả khi đi làm đồng, cả khi xay lúa, lấy bèo, dạy chữ…cả ngày cũng như đêm, giải thích kỹ lưỡng và dễ hiểu cho đồng bào về Quốc hội, về tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Bên cạnh đó, các ứng cử viên cũng có các hình thức tiếp xúc cử tri và ận động bầu cử khác nhau. Ở một số địa phương, nhân dân còn nghĩ ra những bài ca, bài vè, câu đối để giới thiệu người ứng cử cho cử tri dễ nhớ tên các ứng cử viên cần bầu.
Có thể khẳng định, Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. Đó cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Thành công của Tổng tuyển cử đầu tiên đã để lại nhiều bài học quý báu cho hôm nay, không chỉ về giá trị tư tưởng mà còn về cách thức xây dựng và củng cố chính quyền; cách tổ chức bầu cử Quốc hội; tin tưởng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo; đảm bảo quyền vận động bầu cử dân chủ và thực chất. Bài học lớn nhất có thể rút ra, đó là một đảng cầm quyền chân chính phải tuân thủ nguyên tắc: Đất nước do “Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuôc về Nhân dân” (Khoản 2, Điều 2, Hiến pháp 2013). Để thực hiện được điều đó, phải thực sự tin dân, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Cẩm Trang