Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi Bác Hồ ở vào tuổi 70, sức khỏe có phần suy giảm, “diện mạo bên ngoài giảm sút, sắc diện không được hồng hào”, trí nhớ được cho là “vẫn rất minh mẫn”. Bác đã suy nghĩ về việc để lại cho toàn Đảng, toàn dân lời dặn dò trước khi mất.
Bản Di chúc của Bác được viết từ ngày 10/5/1965, sửa đi sửa lại và bổ sung thêm đến tháng 5/1969 mới hoàn thành. Bốn năm để viết một Di chúc. Hồ Chí Minh chọn đúng vào dịp sinh nhật của Người, bắt đầu từ sáng ngày 10/5 đến ngày 20/5 hằng năm, mỗi ngày 1 giờ đồng hồ, chọn giờ đẹp nhất từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, để suy nghĩ, để viết bản Di chúc - tài liệu “tuyệt đối bí mật” - như cách gọi của Người.
Theo Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Bản Di chúc tuy ngắn gọn song nó chứa đựng biết bao giá trị tư tưởng và tình cảm, là sự kết tinh một đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đem lại sự đổi đời của dân tộc Việt Nam ta, đồng thời để lại những di sản bất hủ đối với những thế hệ mai sau…” (đăng trên Báo Nhân dân, ngày 17/5/2006).
Trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đoạn viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, sau ngày thành lập tỉnh (01/01/2004), mặc dù còn nhiều khó khăn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết thống nhất, với tinh thần tiến công, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cơ bản các mục tiêu do đại hội Đảng bộ các khóa đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, thu nhập bình quân đầu người tăng khá so với cả nước, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; giáo dục, y tế và các chính sách xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, biên giới ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết; khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; phát huy tiềm năng, lợi thế để đến năm 2020 đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển”. Từ mục tiêu tổng quát nêu trên, Đảng bộ xác định 6 chương trình - mục tiêu trọng điểm trong nhiệm kỳ là: Giữ vững ổn định chính trị - an dân; tạo sự phát triển mang tính đột phá về kinh tế trên 3 hướng là tổ hợp công nghiệp bô xít - nhôm - sắt xốp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch; tiếp tục đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện và đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, bằng nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, giải pháp sát thực, cụ thể, căn cơ, năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ổn định ở mức khá; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Thương mại phát triển, hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu của người dân; cơ sở vật chất, trường lớp dần được đầu tư hoàn thiện. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị được quan tâm đúng mức.
Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên 20.600 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá (7,83%); sản phẩm alumin ước đạt 680 ngàn tấn, xuất khẩu ước đạt 329 triệu USD. Thu ngân sách ước đạt 2.666 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) còn 13,51%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn 38,57%; hộ gia đình văn hóa đạt 81,15%; 144/350 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành và được duy trì bền vững, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được chú trọng đầu tư, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hạ tầng giao thông phát triển mạnh, tỉ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh đạt 63,5%, tỉ lệ nhựa hóa đường huyện đạt 96%; 89% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 98% hộ dân thành thị sử dụng nước sạch; 98% hộ dân được dùng điện; 99,5% thôn, bon, buôn có điện lưới quốc gia; công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm, nhiều dịch vụ kỹ thuật mới được triển khai, số giường bệnh đạt 18,5/vạn dân, 59,2% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình 100%.
Kết quả chăm lo cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khiêm tốn, song vượt lên tất cả thể hiện sự thấm nhuần lời dạy của Bác trong mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp, là tình cảm, lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Nông đối với công lao trời biển của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; năm 2020, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chủ đề Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích xuất sắc thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng tỉnh Đắk Nông ngày càng giàu đẹp.
Trọng Nhương