Thứ năm, 02/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Hiện thực khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc!

Cách đây 110 năm (5-6-1911) với ý chí, khát vọng cháy bỏng là cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, với hành trang là chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Người nuôi dưỡng khát vọng tìm ra một con đường mới để cứu nước, cứu dân bằng cách đi ra nước ngoài xem họ làm thế nào rồi “sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[1]. Có thể khẳng đinh, hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Hành trang Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước đó là khát vọng giải phóng dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước. Do đó, không phải ngẫu nhiên khi đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[2], và Người kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[3]. Đó là lôgíc tất yếu của một quá trình khảo nghiệm, nhận thức từ lịch sử dân tộc đến lịch sử thế giới, từ các ngả đường cứu nước của các thế hệ trước đến các cuộc cách mạng tư sản, vô sản thế giới; từ các chủ nghĩa, học thuyết của các cuộc cách mạng, các tổ chức quốc tế đến Luận cương của Lênin.

Để rồi, từ một thanh niên yêu nước tiến bộ, Nguyễn Ái Quốc trở thành người chiến sĩ cộng sản - là sự hội tụ tất yếu của chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa cộng sản khoa học và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Đó là sự kết tinh của lòng yêu nước và tư chất khoa học, trí tuệ và bản lĩnh, tầm nhìn nhưng trên hết trước hết là hoài bão cứu nước cứu dân, xác định mục đích giúp đồng bào thoát khỏi gông cùm nô lệ. “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[4].

Lịch sử cho thấy, có nhiều con đường đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành người cộng sản. Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản theo con đường riêng của Người. Từ một người dân thuộc địa trong hoàn cảnh phong trào công nhân chưa phát triển, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa rọi tới, nhưng xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại để tìm hiểu, khảo nghiệm cuộc sống của các dân tộc trên thế giới và trực tiếp tham gia phong trào công nhân của chính quốc là một nước công nghiệp phát triển, rồi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản.

Tiêu chuẩn cao nhất cho sự lựa chọn và định hướng của Người là kiên quyết đứng về phía học thuyết và tổ chức cách mạng nào thực sự quan tâm đến cuộc sống và quyền lợi của các dân tộc bị áp bức, bênh vực, ủng hộ và chỉ ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc. Tiêu chuẩn hết sức thiết thực đó của một thanh niên yêu nước một nước thuộc địa lại phù hợp với chân lý của thời đại khi mà cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”[5]. Đây chính là điểm gặp gỡ có ý nghĩa then chốt giữa con người Nguyễn Ái Quốc, dân tộc Việt Nam với thời đại Lênin. Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã đi cũng chính là con đường Người đưa dân tộc chúng ta đi theo, đó cũng là con đường mang tính phổ biến ở một khu vực rộng lớn của thế giới - phương Đông thuộc địa đang thức tỉnh - mà Nguyễn Ái Quốc là người khai phá và mở đường.

Có thể khẳng định, chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm đến lý tưởng cao quý của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhằm hiện thực khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đưa ra những thông điệp mang giá trị vĩnh hằng, đó là những thông điệp về hòa bình, về độc lập, tự do, hạnh phúc, về dân chủ. Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo vĩ đại tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mùa xuân năm 1930 với đường lối cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội tạo bước ngoặt vô cùng to lớn và quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn chặt với công lao vĩ đại của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 91 năm qua, khát vọng độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc luôn là mạch chảy xuyên suốt, là cội nguồn sức mạnh, hun đúc tinh thần, sức mạnh Việt Nam, đó là tinh thần,“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[6] trong cuộc kháng chiến chống Pháp; Là ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới, chúng ta tự hào: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[7]. Qua đó, khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[8].

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[9].  Giai đoạn hiện nay, dân tộc Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo con đường Bác Hồ đã chọn, qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[10]. Khát vọng ấy là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là động lực khơi dậy sức mạnh tiềm tàng của dân tộc. Khát vọng Việt Nam là khát vọng độc lập, tự chủ tự cường, là hiện thực hóa tâm nguyện và ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cẩm Trang

 

[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.15

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t.10, tr.127.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.CTQG, HN 2000, t.9, tr. 314.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t.10, tr.128.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280.

[6]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.596.

[7] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb.Chính trị quốc gia, sự thật, Hà Nội. 2021, tập.1, tr. 25.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.70.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tập 1, tr.104.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, sự thật, HN. 2021, tập 1, tr 35-36.