Thứ bảy, 23/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Mãi mãi là niềm tự hào của quân, dân Đắk Nông

Ngày 23/3/1975, đã đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc tiến công, giải phóng Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức, mở ra bước ngoặt quan trọng trong chiến dịch Tây Nguyên, góp phần tạo khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà.

Chỉ đạo chiến lược kiên quyết, sắc bén, linh hoạt

Từ giữa năm 1974, Bộ Chính trị nhận định đây là thời cơ thuận lợi nhất để Nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ đồng thời giúp Lào, Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. “Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[1]. Theo đó, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên làm địa bàn đột phá, mở đầu trận quyết chiến chiến lược. Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn là trận mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Vùng Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức là mục tiêu phối hợp với mặt trận chính Buôn Ma Thuột. Để tấn công Buôn Ma Thuột, địa bàn tỉnh Quảng Đức trở thành nơi tập kết xe tăng, pháo binh và các phương tiện để vượt sông. Với địa thế hiểm trở, cây cối kín đáo dọc bờ nam sông Sêrêpôk là nơi lý tưởng để bộ đội ta giấu quân và triển khai chiến dịch.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Lâm Đồng, Phước Long, Đảng bộ các huyện Khiêm Đức, Kiến Đức, Đức Lập, Đức Xuyên đều tiến hành đợt chỉnh huấn về tình hình và nhiệm vụ mới. Qua đó, lập trường quan điểm của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước, phong trào cách mạng của địa phương được đẩy mạnh.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Quảng Đức, Gia Nghĩa được chia làm hai mặt trận: mặt trận phía Tây và mặt trận phía Đông. Hai mặt trận Đông-Tây thường xuyên tổ chức cho các tổ trinh sát và đặc công bám sát các mục tiêu, nắm chắc tình hình địch và tổ chức các cuộc tập kích nhỏ nhằm tiêu hao sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Tình hình đó tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang và đồng bào các địa phương vùng lên đánh bại các cuộc hành quân càn quét mới và kế hoạch bình định của Mỹ - ngụy.

Tấn công liên tiếp, giành thắng lợi ở các mặt trận

Sau chiến thắng Phước Long (6/01/1975), địch ở Kiến Đức vô cùng hoang mang, nao núng, lo sợ ta tấn công. Nắm vững thời cơ, Tỉnh uỷ Phước Long và Huyện uỷ Kiến Đức kịp thời chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với các đội công tác và quần chúng nổi dậy giải phóng huyện.

Ở Kiến Đức, ngày 8/3/1975, pháo hạng nặng của ta từ hướng Tây nã vào quận lỵ Kiến Đức, uy hiếp địch. Ngày 9/3/1975, bộ đội chủ lực Tây Nguyên pháo kích sân bay Nhân Cơ, đồng thời các lực lượng vũ trang của huyện cũng nổ súng tấn công vào quận lỵ Kiến Đức, địch chống cự yếu ớt. Các đội công tác phát động đồng bào nổi dậy giành chính quyền, Kiến Đức được giải phóng, địch tháo chạy về Nhân Cơ.

Ở Đức Lập, 5 giờ 55 phút, ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh nổ súng tiến công tuyến phòng thủ Đức Lập. 8 giờ, Trung đoàn 66 bộ binh của ta chiếm căn cứ Sư 23. Trung đoàn 28 chiếm Núi Lửa. Ngày 10/3, ta chiếm được quận lỵ Đức Lập và các cứ điểm Đắk Song, Đắk Sắk, tuyến phòng thủ Đức Lập phía tây nam Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị tiêu diệt, diệt 1 tiểu đoàn của E25, 1 tiểu đoàn bảo an, bắt 100 tên địch, thu 14 pháo và 20 xe tăng thiết giáp[2]. Thừa thắng xông lên, các đội công tác phát động quần chúng từ Đức Lập đến Đắk Sắk, Đắk Song nổi dậy giành chính quyền, giải phóng huyện Đức Lập và vùng xunh quanh.

Tiếp đó ngày 17/3/1975, quân ta tiến đánh và giải phóng các ấp ở Đạo Nghĩa. Sau khi ta đánh chiếm Kiến Đức, địch ở Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức, hết sức hoang mang, bộ máy trong các ấp tê liệt.

Tiến công tiêu diệt địch triệt để, nhanh gọn tại mặt trận Gia Nghĩa

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam quyết định tiến công giải phóng Gia Nghĩa. Theo đó, Huyện uỷ họp đề ra nhiệm vụ trước mắt là tổ chức chặn đánh địch rút quân từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng theo đường số 8.

Ngày 22/3/1975, Trung đoàn 271 chủ lực Miền nổ súng tiến công Gia Nghĩa, đánh chiếm tiểu khu, sân bay, tòa Tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, căn cứ Đoàn bảo an và các cứ điểm quân sự khác. Thiếu tá tỉnh trưởng Quảng Đức vội vã lên máy bay bỏ chạy về Sài Gòn. Bộ đội địa phương và du kích huyện Khiêm Đức tiến vào hỗ trợ bộ đội chủ lực tiếp quản Gia Nghĩa, đánh địch rút chạy trên đường số 8 tại khu vực Hàng No, Kinh Đạ, thu 4 xe bọc thép, 6 khẩu pháo 105mm và hàng chục xe quân sự. Bộ đội địa phương K1 và K6 tỉnh Lâm Đồng phục kích, bắt sống gần 200 tên, chỉ một số ít thoát vào rừng, chạy về hướng sông Đồng Nai.

5 giờ sáng 23-3-1975, Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng. Quân giải phóng làm chủ đường số 14 nối Buôn Ma Thuột với Bình Phước, mở thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ.

Có thể khẳng định, việc nhanh chóng chớp thời cơ khi nhiều địa bàn quan trọng ở khu vực Tây Nguyên đã được giải phóng, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Đức đã nổi dậy tấn công, truy kích, tiêu diệt địch và tiếp quản Gia Nghĩa. Với vị trí là án ngữ đường 14 nối Buôn Ma Thuột với tỉnh Bình Phước và khởi nguồn đường số 8 nối sang tỉnh Lâm Đồng. Nên sau khi giải phóng Gia Nghĩa, đã cắt đứt tuyến đường chi viện của địch từ Đông Nam Bộ lên Tây Nguyên theo đường quốc lộ 14 và từ Lâm Đồng sang theo quốc lộ 28, làm cho địch rơi vào thế bị động, mất phương hướng chiến đấu.

Ngày 24/3/1975, quận Đức Xuyên giải phóng.

Chiều ngày 26/3/1975, một cuộc mít tinh lớn với hơn 1.000 người được tổ chức tại Gia Nghĩa để chào mừng chiến thắng và chào mừng sự ra mắt của Uỷ ban Quân quản thị xã do đồng chí Trần Thành (Ba Thành), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng làm Chủ tịch. Tại lễ mittinh, đồng chí Trần Thành đọc bản “Chương trình hành động” của Uỷ ban Quân quản thị xã, trong đó, xác định nhiệm vụ như: Tổ chức và lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt; khẩn trương xây dựng hệ thống chính quyền mới; trấn áp và truy quét bọn phản động đang còn ẩn náu trong thị xã; tăng cường đoàn kết các dân tộc…

Có thể khẳng định, chiến thắng Gia Nghĩa là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, linh hoạt của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên khắp chiến trường. Là sự nỗ lực của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã đoàn kết một lòng, thủy chung son sắt, quả cảm kiên cường suốt 30 năm gian khổ, vùng lên chiến đấu, giải phóng quê hương, làm nên thắng lợi vẻ vang.

Qua 46 năm từ ngày được giải phóng, ngày nay Gia Nghĩa là thành phố trẻ nhất của cả nước, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Đắk Nông nói chung, thành phố Gia Nghĩa nói riêng. Giai đoạn hiện nay, thành phố Gia Nghĩa đang thiết lập những bước đi cụ thể cho lộ trình xây dựng đô thị theo hướng đô thị thông minh vào năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Gia Nghĩa lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc; huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025 đưa đô thị Gia Nghĩa trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại và xây dựng theo hướng thông minh, cơ bản đạt được các tiêu chí đô thị loại II”.

Cẩm Trang

 

[1] Văn kiện Đảng toàn tập, t.35, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004, tr.196.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, Nxb.CTQG sự thật, H.2018,tr.178.