Thứ năm, 02/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị trên đại bàn tỉnh Đắk Nông

Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là một khâu quan trọng trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”. Xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị, trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Ngày 05/7/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 - 2020; trong đó, nêu rõ vị trí, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; xác định các mục tiêu và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên,...

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện lý luận chính trị theo quy định, lập trường chính trị, năng lực chuyên môn ngày càng được nâng lên; các chỉ tiêu của Đề án cơ bản đạt yêu cầu đề ra; việc xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị của các địa phương, đơn vị đã gắn với công tác quy hoạch, tạo nguồn, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức ngày càng rõ nét hơn; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 3.916 cán bộ, đảng viên được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị (đạt 21,3% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh).

Trên cơ sở Đề án, các cấp, các ngành đã kịp thời xây dựng kế hoạch, thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và có những chính sách hỗ trợ cho người học phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm tình hình của tỉnh. Công tác chỉ đạo rà soát quy định, chế độ học tập, tiêu chuẩn văn bằng, chứng chỉ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ, công chức, viên chức; các điều kiện về lý luận chính trị trong công tác bổ nhiệm cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị có sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn.

Có thể thấy rằng, thực tiễn sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án, chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh được nâng lên rất nhiều; công tác quản lý học viên được thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn; việc kiểm tra, chấm điểm, đánh giá xếp loại ngày càng đi vào thực chất; đội ngũ giảng viên được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tích cực; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy lý luận chính trị được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị về công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới. Công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn cán bộ các cấp ngày càng được quan tâm, tăng cường cả số lượng và chất lượng, là cơ sở để các cấp ủy đảng thực hiện tốt công tác quy hoạch, chủ động trong việc đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Đề án còn có những khó khăn, hạn chế, như: Việc dự báo, xây dựng nhu cầu và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của một số địa phương, đơn vị chưa sát với thực tế dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Số lượng cán bộ, công chức được cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị (hệ tập trung) còn hạn chế so với nhu cầu đào tạo cán bộ của tỉnh. Việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật lý luận chính trị theo chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện chưa nhiều. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên gắn với quy định đưa giảng viên đi thực tế về cơ sở (theo Hướng dẫn số 257/HD-HVCTQG, ngày 30/6/2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hoạt động đi thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) chưa được thực hiện. Công tác đánh giá, khảo sát chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được triển khai thực hiện, nên thiếu cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa được quan tâm đồng bộ, vì vậy, chưa khuyến khích được đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra và chuẩn hóa của đội ngũ giảng viên hiện nay.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần: Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Chủ động xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ học tập lý luận chính trị; đồng thời, triển khai tốt công tác tư tưởng, kịp thời nắm rõ những diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên; khắc phục “bệnh lười học tập” lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luậntrình độ, năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch cán bộ, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên có chất lượng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học phù hợp, tâm huyết với nghề. Cần gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị với các khâu trong công tác tổ chức cán bộ, như: bố trí, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đội ngũ cán bộ, đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị có thể phát huy tối đa năng lực và tạo môi trường thuận lợi để không ngừng học tập, rèn luyện và cống hiến cho địa phương, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế; biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng bộ.

                                                                             Phan Thị Hải - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy