Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sau thời gian tạm dừng do dịch bệnh Covid-19, hiện nay, các tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đang khẩn trương tiến hành Đại hội, trong đó có nội dung quan trọng là đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và dự thảo văn kiện của tổ chức Đảng cấp trên trực tiếp. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm động viên trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn kiện.
Tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh có tác động tích cực đến quá trình xây dựng, hoàn thiện văn kiện đại hội Đảng. Thông qua đó, ý kiến của hàng ngàn cán bộ, đảng viên đang học tập, công tác, lao động sản xuất, hay làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự trên các địa bàn sẽ góp phần xác định chính xác hơn, rõ ràng hơn các luận điểm cơ bản, bổ sung để làm phong phú, chặt chẽ hơn những nhận định, đánh giá về tình hình thực tế; đóng góp những ý tưởng, cách nghĩ, cách làm mới để hoàn thiện các nội dung, giải pháp phát triển cho từng lĩnh vực trong giai đoạn tới.
Đồng thời, các ý kiến thảo luận của cán bộ, đảng viên khi bày tỏ quan điểm đồng ý với từng nội dung, vấn đề cũng có ý nghĩa như sự xác quyết, đồng tình của cán bộ, đảng viên với những nội dung đường lối trong các dự thảo văn kiện. Trong quá trình nghiên cứu các dự thảo văn kiện để tham gia ý kiến sẽ giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt được nội dung đường lối của Đảng; quá trình thảo luận đồng thời cũng là quá trình học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội.
Đảng viên tham gia góp ý tại Đại hội
Để tổ chức tốt đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn này đòi hỏi các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở phải bám sát nội dung chỉ đạo, hướng dẫn, gợi ý của Trung ương, của tỉnh đối với từng dự thảo văn kiện, tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến thảo luận tại đại hội đảng bộ các cấp; tránh những biểu hiện góp ý và tiếp thu góp ý mang tính hình thức, giản đơn. Quá trình lãnh đạo, tổ chức lấy ý kiến, cần bám sát phương châm bình tĩnh, lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa trên mẫu số chung là vì lợi ích của Đảng, của nhân dân và sự phát triển của đất nước. Đồng thời, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, hành động, thủ đoạn nhân cơ hội đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện để lồng ghép quan điểm, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định rõ việc góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm chính trị của mình. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ các dự thảo văn kiện, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn để đóng góp những ý kiến chính xác, tâm huyết, mang tính xây dựng, vừa có tâm, vừa có tầm cho Đảng. Việc đóng góp ý kiến cần tránh chung chung mà phải cụ thể, đi vào từng chỉ tiêu, từng nhiệm vụ, giải pháp và góp ý vào tất cả nội dung của các dự thảo văn kiện được lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải luôn tỉnh táo, cảnh giác, sẵn sàng đấu tranh với các quan điểm sai trái, tư tưởng lệch lạc trong quá trình lấy ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội; bảo vệ tính đắn, sáng tạo, đổi mới, khoa học của nền tảng tư tưởng và chủ trương, đường lối của Đảng. Làm tốt việc thảo luận, lấy ý kiến vào dự thảo văn kiện là một trong những yếu tố quan trọng để tổ chức thành công của đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thành Nhân (Hình ảnh: Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông)