Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi
30 năm hoạt động quốc tế chống chủ nghĩa thực dân (1911-1941) vô cùng sôi nổi, phong phú, sáng tạo, đầy bản lĩnh đã đưa Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Sự kiện Người về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước là một trong những cột mốc quan trọng trong giai đoạn đầu tiên của tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, mở ra thời kỳ mới của quá trình giải phóng dân tộc.
Với sự kiện Pháp đầu hàng phát xít Đức tháng 6-1940 là “một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”[1]. Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định cùng các đồng chí cán bộ Trung ương từ biên giới Trung Quốc trở về nước và chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Để rồi, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Không có Pác Bó, không có ngày độc lập 2-9-1945. Không có Pác Bó, không có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Không có Pác Bó, không có ngày 30-4-1945 ở thành phố Hồ Chí Minh. Pác Bó, không chỉ là của riêng Cao Bằng - Pắc Bó là của cả nước Việt Nam”[2].
Khi chuẩn bị về nước, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một căn cứ địa, tìm ra một “chỗ đứng”, một “điểm tựa” ban đầu, từ đó tạo “thế” và phát triển “lực”. Theo Người, điểm tựa đó phải bảo tồn được lực lượng cách mạng, phải được xây dựng ở nông thôn, miền núi. Từ đó, Người khẳng định: “Phải lấy rừng núi làm căn cứ địa”. Nơi đó phải có địa thế hiểm yếu che chở và có quần chúng cảm tình ủng hộ, thật bí mật và có đường rút lui, có thể phát triển mở rộng về xuôi nối với phong trào cách mạng trong cả nước, phải có điều kiện giao thông liên lạc với quốc tế thuận lợi.
Trong lúc Trung ương Đảng đặt vấn đề xây dựng trung tâm căn cứ địa ở Bắc Sơn-Võ Nhai thì Nguyễn Ái Quốc trở về nước, chọn Cao Bằng làm điểm tựa đầu tiên để từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Bởi Cao Bằng là nơi hội tụ những điều cần thiết của một căn cứ địa cách mạng. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”[3]. Tầm nhìn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chọn Cao Bằng có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn. Theo đó, trong suốt những năm 1941-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các lãnh đạo cao cấp của Đảng đi lại nhiều nơi ở Cao Bằng, mở các lớp huấn luyện chính trị. Tổ chức, chỉ đạo và gây dựng phong trào, chuẩn bị các điều kiện để phát động khởi nghĩa.
Có thể nói, từ khi chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng đến khi hình thành Khu giải phóng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng của cả nước. Để rồi, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bản Tuyên ngôn độc lập dân chủ, đã ghi dấu ấn sâu đậm công lao to lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đường lối chiến lược: Tại Căn cứ địa Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng (5/1941). Đây là sự phát triển hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng do các Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (1939) và lần thứ 7 (1940) của Đảng đề ra. Chủ trương đó đã thể hiện tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị nhạy bén của Bác, đồng thời phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân là thoát khỏi ách áp bức “một cổ hai tròng” của đế quốc và phong kiến tay sai. Nghị quyết đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của toàn dân tộc chống lại bè lũ cướp nước và bọn tay sai bán nước.
Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng chính trị: Tại Căn cứ địa Cao Bằng, Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập và chính Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Việt Minh như Tuyên ngôn, Chương trình, Ðiều lệ... Tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Việt Minh đã hấp dẫn, quy tụ được các các tầng lớp nhân dân, các giai tầng trong xã hội… Từ những tổ chức thí điểm của Mặt trận Việt Minh đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng) năm 1941, Việt Minh phát triển nhanh và lan rộng trong toàn quốc.
Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng vũ trang: Cuối năm 1941, Nguyễn Ái Quốc cho xây dựng thí điểm đội vũ trang ở Cao Bằng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị, quân sự cho các đội tự vệ, du kích ở địa phương, làm liên lạc nối căn cứ của Đảng với miền xuôi. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng, ngày 22-12-1944, Đội Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập với nhiệm vụ là hoạt động vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự, đây là tổ chức tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam. Với sự ra đời của Đội Tuyên truyền Giải phóng quân chính là sự khởi đầu cho sự phát triển và những thắng lợi không ngừng của quân đội nhân dân Việt Nam.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyên truyền, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp đứng lên đánh giặc: Để phục vụ cho công tác thông tin và tuyên truyền, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ Báo Việt Nam độc lập, gọi tắt là “Việt Lập”. Ngày 01-4-1941 số báo đầu tiên ra đời được lưu hành ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn với nhiều bài viết của Người. Bên cạnh đó, Người viết rất nhiều tài liệu như: “Con đường giải phóng”, “Lịch sử nước ta”, “Địa dư Cao Bằng”, “Chương trình, Điều lệ Việt Minh”, “Kinh nghiệm đánh du kích”. Những tài liệu này trở thành những tài liệu tuyên truyền và huấn luyện, giáo dục cán bộ, nhân dân về tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Người tổ chức lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương…
Có thể khẳng định, trong năm đầu tiên trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước sau gần 1/3 thế kỷ hoạt động ở nước ngoài, với những quyết định chính xác, kịp thời cùng Trung ương Đảng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cưc chuẩn bị đường lối chiến lược; lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang; tuyên truyền, vận động quần chúng; huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ cho phong trào cách mạng… góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước phát triển nhanh, mạnh và rộng, tạo bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng trong nước; chuẩn bị đẩy đủ tinh thần và lực lượng cho ngày vùng lên của toàn dân tộc trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cẩm Trang