Thứ sáu, 22/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Nhà ngục Đắk Mil - nơi tiếp tục dòng chảy cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Đây là lần đầu tiên dân cày, thợ thuyền và lính khố xanh đã siết chặt tay nhau trên chiến trường, đoàn kết lại để hình thành một thể duy nhất, một đạo quân duy nhất… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh để xóa bỏ giai cấp, kỷ nguyên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, thói bạo ngược của bọn cường hào quan lại”[1].

Cao trào đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức đấu tranh diễn ra quyết liệt. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, hệ thống chính quyền thực dân, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều thôn, xã. Trong tình hình đó, nhiều cấp ủy đảng ở thôn, xã lãnh đạo nhân dân đứng lên tự quản lí đời sống chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương, làm chức năng quả chính quyền, gọi là “xô viết”. Hoảng sợ trước sự nổi dậy của quần chúng, thực dân Pháp đã dốc toàn lực, thực hiện cuộc “khủng bố trắng” hết sức tàn bạo. Các chiến sỹ cách mạng, những người đi đầu trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 và những người yêu nước, những đảng viên cộng sản ở các tỉnh Trung Kỳ bị bắt giam, kết án và đưa đi lưu đày khắp các nhà tù trên cả nước, trong đó có nhà tù Buôn Ma Thuột, nhà ngục Đắk Mil.

Tháng 12-1930 đến tháng 4-1931, thực dân Pháp đày ải những đoàn tù chính trị từ nhà lao các tỉnh miền Trung lên giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột gồm 30 chiến sĩ cộng sản (1930 - 1931); đến năm 1936, chúng bỏ nhà đày Lao Bảo (Quảng Trị), chuyển số tù nhân còn sống sót đến Nhà đày Buôn Ma Thuột. Do số lượng tù chính trị tại nhà đày Buôn Ma Thuột ngày càng đông, chính quyền thực dân Pháp lập Đại lý Đắk Mil, xây dựng nhà ngục Đắk Mil - là một “biệt giam” thuộc nhà đày Buôn Ma Thuột.

Đầu tháng 11-1941, đoàn tù đầu tiên bị đày tới ngục Đắk Mil gồm 45 tù nhân, sau đó tăng lên tới 120 người. Tại đây, thực dân Pháp đã thi hành một chế độ nhà tù hết sức khắc nghiệt và tàn bạo. Tất cả tù nhân đều đóng số ở lưng. Hàng ngày, họ phải đi làm lao dịch, những công việc nặng nhọc như làm quốc lộ 26, đường chiến lược 14, cầu Krông Ana, đi xây đồn Mét... ban đêm họ ngủ trong tư thế cùm chân. Phải làm việc khổ sai nhưng bữa ăn hàng ngày của tù chỉ là cơm gạo mục thối. Ốm đau, bệnh tật, ghẻ lở, đói rét, đàn áp, đánh đập... luôn là những người bạn đường của người tù.

Chính sách tàn bạo của thực dân, đế quốc chỉ khắc ghi thêm tội ác dã man của chúng đối với dân tộc ta, chỉ có thể giam giữ được thể xác chứ không khuất phục được tinh thần của các chiến sĩ cách mạng. Các chiến sĩ đã vượt qua gian nan, khắc nghiệt của khí hậu, chế độ lao tù hà khắc, nghiệt ngã, biến nhà tù thành trường học, tôi luyện ý chí. Do đó, ngay sau khi bị đày tới ngục Đắk Mil, các tù nhân đã lựa chọn và bầu ra Ban cán sự để lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống lại chế độ ngục tù. Những người tù chính trị đã bầu ra một Ban cán sự đầu tiên của nhà ngục. Năm 1943 một chi bộ cộng sản được thành lập trong ngục Đắk Mil do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư. Có thể nói, từ đây, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chịu ảnh hưởng và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Từ khi có chi bộ Đảng ra đời, phong trào đấu tranh trong Nhà ngục Đắk Mil được tổ chức chặt chẽ để vừa đạt được mục đích, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước. Trong đấu tranh gian khổ, tù nhân chính trị đã có nhiều hình thức tuyên truyền, động viên lẫn nhau giữ vững chí khí, nhiệt huyết đầu tranh, giữ vững niềm tin chiến thắng cuối cùng của cách mạng.

Tháng 3 -1943, các đồng chí Nguyễn Tạo, Trương Vân Lĩnh, Chu Huệ, Trần Doanh tổ chức vượt ngục Đắk Mil thành công. Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên được tổ chức của tù chính trị trong nhà ngục Đắk Mil, đó là một thành công lớn, đánh dấu một bước tiến mới trong việc tổ chức bộ máy lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù đế quốc, khích lệ tinh thần đấu tranh và để lại những kinh nghiệm cho những cuộc đấu tranh và vượt ngục của các chiến sĩ trong nhà tù đế quốc.

Cuộc vượt ngục Đắk Mil lần thứ hai gồm các đồng chí Nguyễn Khải (Nguyễn Tuy, Nguyễn Đình Tuy), Trần Tống, Vũ Nhân (Lê Hữu Khai). Lợi dụng sơ hở của địch, Ban cán sự nhà ngục bố trí cho ba đồng chí vượt ngục ra ngoài bằng cách trốn vào bồ đi lấy nước và theo kế hoạch định sẵn, ba đồng chí trốn thoát vào rừng. Tuy nhiên, địch đã bắt và bắn chết bốn tù nhân đẩy xe đi lấy nước để khủng bố tinh thần tù nhân, nhằm ngăn chặn các vụ vượt ngục tiếp theo. Mặc dù, cuộc vượt ngục thứ hai không thành công nhưng tinh thần đấu tranh kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng nơi đây đã có tác động rộng lớn, sâu sắc đến tinh thần đấu tranh của đông đảo tù nhân và binh lính ở nhà đày Buôn Ma Thuột, thúc đẩy phong trào đấu tranh của các tù nhân chính trị quyết liệt hơn. Tuy không tuyên bố, nhưng địch buộc phải chấp nhận yêu sách của các tù nhân ở nhà đày Buôn Ma Thuột.

Bị thất bại liên tiếp trong việc cai quản, đày ải và lợi dụng công sức của tù chính trị vào xây dựng Đại lý Đắk Mil. Cuối tháng 3-1943, thực dân Pháp đã chuyển toàn bộ số tù nhân ở đây về nhà đày Buôn Ma Thuột và cho phá hủy nhà ngục Đắk Mil. Những cuộc đấu tranh trong nhà ngục Đắk Mil đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ cộng sản, trong đó nổi bật là các chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Đắk Nông cũng như quê hương xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét, các chiến sỹ cách mạng đã: “Biến cái rủi thành cái may, các chiến sỹ của ta đã lợi dụng những ngày tháng ở trong tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó chứng tỏ rằng, chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng mà trái lại, nó đã trở thành một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn, mà kết quả là cách mạng đã chiến thắng, đế quốc đã thua”[2].

Có thể khẳng định, âm mưu thâm độc của đế quốc Pháp là đày ải những tù nhân cộng sản và những chiến sĩ cách mạng trong phong trào xô viết Nghệ Tĩnh và các chiến sỹ yêu nước lên những nhà tù ở miền núi, cao nguyên nhằm cô lập hoàn toàn những người cách mạng với thế giới bên ngoài và thi hành chính sách lao tù hà khắc, cộng với khí hậu nơi rừng thiêng nước độc để giết dần, giết mòn những chiến sĩ cộng sản. Nhưng, vượt lên tất cả, những chiến sĩ cộng sản không chỉ biến nhà tù thành trường học cách mạng, rèn luyện khí tiết mà hơn thế nữa, họ đã gieo những hạt giống, những tư tưởng cộng sản trên mỗi mảnh đất nơi đặt chân tới. Chính việc thực dân Pháp tăng cường đày ải tù chính trị cộng sản lên Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng, dù muốn hay không chúng đã đưa những người có tư tưởng cộng sản đến với mảnh đất, với quần chúng cách mạng chưa giác ngộ lý tưởng đấu tranh cách mạng, đưa phong trào cách mạng của Đắk Nông sánh bước cùng phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Chiến tranh đã qua đi, lịch sử Đắk Nông bước sang một giai đoạn mới nhưng di tích nhà ngục Đắk Mil - cái nôi của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông mãi mãi vẫn là điểm son của lịch sử cách mạng. Di tích lịch sử nhà ngục Đắk Mil không chỉ là bản cáo trạng đanh thép về âm mưu thâm độc, chính sách dã man, tàn bạo của thực dân, đế quốc đối với nhân dân Việt Nam mà còn là hình ảnh sinh động về tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc Việt Nam được phản ánh qua những tấm gương sáng ngời của các chiến sĩ cộng sản bị lưu đày tại nhà ngục và tinh thần yêu nước, sẵn sàng chở che, ủng hộ cách mạng của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên M’Nông trong những năm tháng cam go của cuộc vận động giải phóng dân tộc. Tuy chỉ một thời gian ngắn (1941 - 1943), nhưng cuộc đấu tranh của các chiến sĩ các mạng ở nhà ngục Đắk Mil là một bộ phận trong đấu tranh cách mạng oanh liệt, phong phú, sinh động của Đảng và dân tộc ta trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền.

Cẩm Trang

 

[1] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t.2, tr.61 - 62.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 3- 4.