Thứ sáu, 22/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Nhà nước pháp quyền - từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sự vận dụng của Đảng ta vào thực tiễn Việt Nam

Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 chính là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”[1], cho nên: “Việc gì lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh”[2].

Trên cơ sở kế thừa tư tưởng cốt lõi về nhà nước pháp quyền trong học thuyết Mác - Lênin, tiếp thu tư tưởng tinh hoa của nhân loại kết hợp với giá trị truyền thống của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam để hình thành quan niệm về một nhà nước Việt Nam mới. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, Nhà nước ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc đã cho rằng, làm cách mạng là để chuyển giao quyền lực cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một số ít người. Trong Chánh cương vắn tắt, ý tưởng về một nhà nước của nhân dân được khái niệm là chính phủ công nông binh. Điều 1, Hiến Pháp1946 khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một nhà nước dân chủ. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giai cấp, tôn giáo”. Điều này đã khẳng định, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hướng đến một nhà nước kiểu mới, mà trong đó các quyền công dân và quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và được đảm bảo bằng luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”[3]; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”[4]. Trong tư tưởng của Bác, Nhà nước của dân là nhà nước do nhân dân lập nên thông qua bầu cử dân chủ: “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”[5]. Vậy nên, “Chúng ta hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”[6]. Do vậy, nhân dân phải là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước.

Nhà nước do dân không chỉ do dân lập ra thông qua bầu cử dân chủ mà còn chịu sự kiểm tra, giám sát của dân, “Nhân dân có quyền bãi miễn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân”[7]. Ngay từ đầu, Người đã hiểu rằng lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, cho nên người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ,việc gì làm cũng không nên”[8].

Nhà nước vì dân là phải đặt lợi ích của đại đa số nhân dân lao động lên trên hết, là nhà nước luôn lắng nghe và học hỏi nhân dân, biết tôn trọng, bồi dưỡng và nâng cao sức dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và ý chí của nhân dân để có những kế sách giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh. Có thể nói, tư tưởng nhà nước của dân, do dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán trong suốt cuộc đời của Người và chính cuộc đời ấy là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức của một con người dành trọn cuộc đời vì dân, vì nước.

Đó là nhà nước hoạt động trong khuôn khố Hiến pháp và pháp luật

 Ngay từ khi thành lập, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã và luôn là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật và luôn vận hành trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Các đạo luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các đạo luật về chính quyền địa phương được xây dựng trên cơ sở các Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Những lần Hiến pháp được sửa đổi và thông qua là những bước củng cố cơ sở pháp luật cho tổ chức và hoạt động của bản thân các cơ quan nhà nước. Vì vậy, có thể nói, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một quá trình lịch sử được bắt đầu ngay từ Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946. Quá trình này đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển đặc thù.

Nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Song, pháp luật của ta phải có sự thay đổi về chất, mang bản chất của giai cấp công nhân, là một loại hình pháp luật kiểu mới, pháp luật thực sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.

Pháp trị và đức trị là đặc trưng của nhà nước pháp quyền

Một trong những điểm đặc sắc nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là ở chỗ Người đã kết hợp nhuần nhuyễn và thành công mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, xét đến cùng đều là do con người và vì con người. Hồ Chí Minh vừa coi trọng đạo đức và giáo dục đạo đức, nhưng cũng rất mực đề cao vai trò, sức mạnh của luật pháp. Thượng tôn pháp luật dựa trên các chuẩn mực đạo đức và ngược lại. Trong Quốc lệnh do Hồ Chí Minh ban hành ngày 26-01-1946 nêu rõ 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm. Bài học về sự kết hợp thống nhất, biện chứng giữa “đức trị” và “pháp trị” trong tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam và là nguyên tắc cơ bản để cho chúng ta có thể xây dựng được một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, thực sự trở thành nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Như vậy, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng khởi xướng, xây dựng được quán triệt thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta. Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta trong mỗi giai đoạn sau này đã có không ít những thay đổi về mô hình bộ máy nhà nước dưới tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng xuyên suốt vẫn là một chính quyền mạnh mẽ của nhân dân, do nhân dân làm chủ.

Điều 2, Hiến pháp 1980 khẳng định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhà nước chuyên chính sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Tinh thần dân chủ hóa đời sống xã hội mà Đảng ta đề xuất từ Đại hội VI, trong đó khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chức năng của Nhà nước thể chế hoá bằng pháp luật, quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân lao động và quản lý kinh tế, hội theo pháp luật. Nhà nước ta phải bảo đảm quyền dân chủ thật sự của nhân dân lao động, đồng thời kiên quyết trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của nhân dân…”[9].

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (1994), lần đầu tiên Đảng ta chính thức sử dụng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” và nêu cụ thể, toàn diện những quan điểm, nguyên tắc, nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam: Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng ta lãnh đạo.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khoá VII) đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc cụ thể hoá quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Đây hội nghị chuyên bàn về nhà nước: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩaViệt Nam, trọng tâm cải cách một bước nền hành chính”. Đồng thời, nêu 5 quan điểm cơ bản cần nắm vững trong quá trình xây dựng kiện toàn bộ máy nhà nước.

Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2002) và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006) đã tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp tư pháp.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng ta tiếp tục nêu rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩaViệt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”[10].

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nhà nước pháp quyền đã được Đảng xác định là một trong tám đặc trưng chủ yếu của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân xây dựng: “Có Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”[11].

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị… Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội[12].

Đảng ta xác định bản chất của Nhà nước pháp quyền với 6 đặc trưng cơ bản, trong đó đặc trưng thứ nhất là: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là trọng trách của Đảng cầm quyền, là một tất yếu khách quan và yêu cầu mà thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta đặt ra. Do đó, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước công bộc của dân phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới có ý nghĩa quyết định trong tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ; xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Cẩm Trang

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 4. Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 64

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 4. Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 21

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 6. Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 397

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 9. Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 382

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 6. Nxb. CTQG, HN. 2011, tr. 232

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 4. Nxb. CTQG, HN .2011, tr. 64

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 12. Nxb. CTQG, HN .2011, tr. 375

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t 5. Nxb. CTQG, HN .2011, tr. 333

[9] Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). NxbCTQG, H,2006, tr.125

[10]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, HN 2011, tr.85-86

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, HN 2011, tr.170

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr.171