“Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”[1]. Có thể nói, sự nghiệp cách mạng là của toàn dân tộc, trong đó mỗi cán bộ, đảng viên là những người gương mẫu, tiên phong. Nhưng thực tiễn cách mạng cũng vẫn còn: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên...chưa bị đẩy lùi”[2], ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhằm ngăn ngừa, phòng chống sự suy thoái trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm biểu hiện những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống mà cán bộ, đảng viên thường mắc phải và dễ có nguy cơ mắc phải qua những tác phẩm của mình.
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Người đặt lên trên hết bài học về “Tư cách người cách mệnh”, tức là lấy đạo đức làm gốc, làm nền tảng cho toàn bộ nhân cách. Đó là đạo đức cách mạng, là chống chủ nghĩa cá nhân, là toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong đó, bao hàm cả những yêu cầu phải phòng chống các biểu hiện tiêu cực như không tư (tư lợi, tư tâm, tư ý, tư thù, tư oán...), không nhút nhát, không hiếu danh, không kiêu ngạo, ít lòng tham muốn về vật chất[3]. Do vậy có thể coi đây là một cuốn cẩm nang về giáo dục đạo đức, nhân cách người cách mạng, là cuốn giáo trình đầu tiên về đạo đức cách mạng.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, Hồ Chí Minh rất trăn trở trước hiện tượng tha hóa của một số cán bộ, đảng viên khi được Đảng và Chính phủ giao nắm giữ những cương vị quyền lực trong bộ máy chính quyền. Do đó, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945), Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa, Người nêu rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”[4]. Tất cả khiến dân chúng hoang mang, nền đoàn kết bị lung lay, uy tín của Chính phủ và đoàn thể bị ảnh hưởng xấu. Giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều - nhận thức sâu sắc quy luật này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng chí, đồng bào ở tỉnh nhà phải lập tức sửa đổi ngay. Bác chỉ rõ, không sợ có khuyết điểm, chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi khuyết điểm, sợ không có tấm lòng chí công vô tư với dân với nước.
Trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), Bác viết: Tất cả phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để giành việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân… việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nghiêm khắc, phê bình những lỗi lầm rất nặng nề mà có nơi, có người mắc phải. Đó là sáu sai lầm, khuyết điểm cơ bản: “1. Trái phép; 2. Cậy thế; 3. Hủ hóa; 4. Tư túng; 5. Chia rẽ; 6. Kiêu ngạo”[5].
Tinh thần phê bình nghiêm khắc, thẳng thắn trên tiếp tục được Hồ Chí Minh nêu trong lá thư Gởi các đồng chí Bắc bộ (01/3/1947). Bác nhấn mạnh:“Chúng ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau đây: Địa phương chủ nghĩa; Óc bè phái; Óc quân phiệt, quan liêu; Óc hẹp hòi; Ham chuộng hình thức; Làm việc lối bàn giấy; Vô kỷ luật - kỷ luật không nghiêm; Ích kỷ - hủ hóa. Bác kết luận: Phải kiên quyết khắc phục những khuyết điểm trên thì chúng ta mới đi đến hoàn toàn thắng lợi.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10/1947), Hồ Chí Minh đã chỉ ra ba chứng bệnh rất nguy hiểm đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hỏi và thói ba hoa. Bằng những phân tích sâu sắc từ thực tiễn, Người nêu rõ ba chứng bệnh này là kết quả từ nhiều khuyết điểm hoặc dẫn đến những khuyết điểm khác. Người phân tích rõ những khuyết điểm như: kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông, chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa,...Đặc biệt, Người chỉ ra căn bệnh chủ nghĩa cá nhân: “Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[6]. Những biến chứng điển hình của chủ nghĩa cá nhân là các bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... người cũng phân tích, nhắc nhở phải phòng chống các bệnh hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua, ngoài ra là các bệnh quan liêu, xa dân, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp, công thần cách mạng, nói suông.
Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (12/1958), cùng với việc sự cần thiết phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, nội dung những chuẩn mực đạo đức cách mạng, nguyên tắc rèn luyện đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải đấu tranh chống căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Người nêu rõ chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, là vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ, là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt. Cùng với đó, Bác cũng chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trước hết là hiện tượng: “Yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, ... Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng...họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”[7]. Đó còn là việc tư tưởng và hành động, lời nói và việc làm của đảng viên không thống nhất với nhau; Đó cũng là hiện tượng “kể công” với Đảng... Cũng có những người “trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ,... Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”[8]. Đó còn là hiện tượng “học sách vở Mác - Lênin nhưng không học tinh thần Mác - Lênin. Học để trang sức, chứ không phải vận dụng vào công việc cách mạng”[9]. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan,tham ô, lãng phí...Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”[10].
Trong bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện của một số cán bộ, đảng viên về đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Đó là mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Tác hại của những sai lầm, khuyết điểm, thói hư tật xấu sẽ làm giảm sút uy tín, làm mất đi sự tín nhiệm, tin yêu, cảm phục của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Những sai lầm, khuyết điểm đó là những kẻ địch ẩn nấp trong mỗi con người - giặc nội xâm, phá hoại sự nghiệp cách mạng, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng “bất mãn, oán trách, xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”[11], đó chính là biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc mô tả và lý giải hiện tượng mà quan trọng là để tìm ra biện pháp, cách thức để khắc phục những khuyết điểm. Trong đó, tổ chức Đảng đóng vai trò quan trọng, nhằm tăng cường giáo dục về lý tưởng cộng sản, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc; kỷ luật của Đảng phải thật nghiêm minh; công tác kiểm tra, giám sát phải chặt chẽ: “Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”[12]. Trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Cách thức tốt nhất để tự mình rèn luyện là tích cực tham gia các hoạt động thực tiễn, mỗi người phải ý thức tự đào tạo, tự giáo dục trong cuộc sống hàng ngày. Phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phấn đấu vì lợi ích của Nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt.
Có thể khẳng định, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam giúp ta hiểu thêm về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống hiện nay và xây dựng những biện pháp để hạn chế, khắc phục những biểu hiện đó. Đó cũng chính là cách thiết thực để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhằm lựa chọn những cán bộ, đảng viên “vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc” như lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Cẩm Trang
[1] Trích bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng
[2] Tài liệu học tập các văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr.16.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.280
[4] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.20
[5] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.65-66
[6] Hồ Chí Minh: Sđd, t5, tr.295
[7] Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.605
[8] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.608
[9] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.609
[10] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.611
[11] Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.611
[12] Hồ Chí Minh: Sđd, t.6. tr.367