Thứ tư, 04/12/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng vững mạnh về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng Đảng về đạo đức là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, là việc làm cần kíp, góp phần nâng cao vị trí, vai trò, uy tín của Đảng trong nhân dân, xã hội; nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Đạo đức, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một hình thái của ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội. Đối với mỗi cá nhân, hành vi đạo đức mang tính tự giác, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu bên trong; đồng thời, chịu tác động của dư luận xã hội, sự kiểm tra, giám sát của những người xung quanh… Với những chuẩn mực giá trị có tác dụng chi phối đời sống tinh thần của xã hội, đạo đức là một bộ phận quan trọng, nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội; qua đó, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong xã hội, sự suy thoái của đạo đức, sự “lệch chuẩn” trong mỗi con người và toàn xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội.

2. Xây dựng đảng về đạo đức là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi thành lập Đảng, có giá trị lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng. Tổng kết 30 năm lịch sử Đảng, bên cạnh việc khẳng định “30 năm lịch sử Đảng là một pho lịch sử bằng vàng”, Người đã yêu cầu Đảng ta phải thực sự trở thành “là đạo đức, là văn minh”.

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng để phấn đấu, cống hiến. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc, của nhân dân. Đảng luôn phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đạo đức cao nhất của Đảng là sự dấn thân, hi sinh, cống hiến, phấn đấu vì mục tiêu cao cả đó. Đảng là tổ chức của những người ưu tú, hết lòng, hết sức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Để thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ba nguyên tắc cơ bản trong xây dựng nền đạo đức mới trong xã hội: Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Nói đi đôi với làm thể hiện bản chất và nhân cách của con người. Nói đi đôi với làm trước hết là nêu gương, tiên phong, đi đầu, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Thế hệ đi trước làm gương cho thế hệ đi sau, cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên và đảng viên phải làm gương cho quần chúng... Đây là phương thức giáo dục đạo đức phổ biến và hiệu quả nhất. Người dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Hai là, xây đi đôi với chống. Trong xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội mới, ngoài việc bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện phi đạo đức, sai trái với những yêu cầu đạo đức chung của xã hội, đó là cá nhân chủ nghĩa, những tàn dư của xã hội cũ, sản phẩm của những tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường... Xây đi đôi với chống là muốn xây phải chống, xây là chính, chống nhằm mục đích xây. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, trong tập thể và toàn xã hội. Những phẩm chất chung nhất phải được cụ thể hóa sát hợp với các tầng lớp, đối tượng. Trong giáo dục, vấn đề quan trọng là phải khơi dậy và phát huy ý thức đạo đức của mọi người, nhân sinh quan trong mỗi con người, để mọi người nhận thức được và tự giác thực hiện. Trong đấu tranh chống lại cái tiêu cực, lạc hậu; trước hết, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải phát hiện sớm, chú ý phòng ngừa, ngăn chặn. Để xây và chống đạt kết quả, cần phát huy vai trò của dư luận xã hội, tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu. Người đã phát động cuộc thi đua “ba xây, ba chống”, viết sách “Người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống. Ba là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời, Người dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng, Người khẳng định, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tư tưởng, đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mỗi cá nhân.

3. Đứng trước bối cảnh và yêu cầu của thực tiễn cách mạng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhiệm vụ xây dựng đảng về đạo đức càng trở nên quan trọng, trở thành một trong những vấn đề cấp bách của Đảng. Để công tác xây dựng đảng vững mạnh về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, các cá nhân, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đặc biệt, chú trọng thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị (khóa XII), gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chính đốn Đảng. Đây là giải pháp quan trọng để xây dựng đảng vững mạnh về đạo đức và phải được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, “góp phần củng cố, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tình trạng suy thoái” của cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định ngày càng đi vào quy củ, xử lý nghiêm các vụ việc sai phạm. Qua đó, góp phần củng cố, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Để việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả cao, trở thành việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng cũng như cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục đẩy mạnh với tinh thần kiên quyết, kiên trì, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, biểu dương những nơi làm tốt, gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến; đồng thời, tích cực nhắc nhở, uốn nắn, phê phán những nơi làm chưa tốt, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ hai, đề cao tính tự giác, nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Để xây dựng đảng về đạo đức, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo các tiêu chí, chuẩn mực được xác định, phải thấm nhuần lời nhắc nhở của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Yêu cầu về đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay là: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tin tưởng vào thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; có tính tiên phong, lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống; thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, chủ động, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; chăm lo xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Có như vậy, Đảng ta mới khẳng định được uy tín, tạo ra sức hút để tập hợp, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh của quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Theo đó, các cấp ủy đảng cần quán triệt, tổ chức cho cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc các quy định về nêu gương, làm cho việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành lẽ sống hàng ngày, tạo sức lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội, làm cho cái tốt, cái đẹp được nhân lên, cái xấu và cái tiêu cực bị đẩy lùi.

Thứ ba, đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện”, “sa vào cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống là: “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kị, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”; “tham ô, tham nhũng”, “lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”...

Việc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện nêu trên đã và đang trở thành nội dung quan trọng, bức thiết trong xây dựng đảng về đạo đức. Giải pháp đặt ra là phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Trong nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, luôn xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; đồng thời, là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí...

Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng đảng là chủ trương trước sau như một của Đảng ta; đồng thời, là nguyên tắc trong hoạt động của Đảng. Để phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng đảng, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, được cụ thể hóa thành luật, làm cơ sở pháp lý thực hiện; trong đó, quy định nhân dân thực hiện quyền giám sát gián tiếp (thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội) và giám sát trực tiếp (thông qua phản ánh, kiến nghị đến cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan có thẩm quyền) về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, thực thi công vụ, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân… của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Để thực hiện tốt, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quần chúng nhân dân về quyền được tham gia xây dựng đảng, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, có nhiều hình thức để nhân dân thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; làm tốt công tác khen thưởng, động viên đối với những người dân kịp thời phát hiện, tố cáo các sai phạm của cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trù dập người phát hiện, tố cáo.

Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, công tác xây dựng đảng vững mạnh về đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang đạt được những kết quả quan trọng, tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân và xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức tu dưỡng, rèn luyện, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của Đảng ta, để Đảng ta mãi xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”.

                                                   Trọng Nhương