Thứ sáu, 22/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn hiện nay

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đắk Nông là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, nơi đây còn là đầu mối của các tuyến giao thông quan trọng, vì thế, đây là mục tiêu đánh phá, hủy diệt của kẻ thù. Nhưng với truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh đã cùng với Nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến ngoan cường, dũng cảm, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Để làm nên thắng lợi ấy chính là sự lãnh đạo sâu sát, trực tiếp của Đảng bộ tỉnh đã nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Khu ủy V, Bộ tư lệnh quân khu V, Quân khu VI, mặt trận Tây Nguyên. Trong chiến đấu, Đảng bộ luôn sát cánh với quân và dân trong tỉnh, chịu đựng mọi hi sinh, gian khổ, giữ vững ý chí chiến đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, liên tục tấn công địch cho đến ngày toàn thắng. Có thể khẳng định, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nổi lên những vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng vào tình hình thực tế của một tỉnh miền núi để đề ra đường lối đấu tranh phù hợp.

Là một tỉnh miền núi, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ nắm vững tình hình, hiểu rõ đặc điểm của địa phương, kiên định, vững vàng vượt qua khó khăn thử thách, kể cả những lúc thay đổi tổ chức và địa bàn chiến trường. Do đó, trong đấu tranh đã kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa quân sự với chính trị; tiến hành tác chiến trên toàn bộ chiến trường trong tỉnh, đánh địch trên toàn bộ chiến tuyến, đánh cả ở phía trước mặt địch và đằng sau lưng địch, trên cả 3 vùng chiến lược. Đó là sử dụng nghệ thuật xác định hướng, mục tiêu, đội hình tiến công, biến những khó khăn về địa hình thành những lợi thế cơ bản trong kháng chiến. Nhờ đó, các cấp ủy đảng trên địa bàn Đắk Nông đã lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, củng cố và bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong giai đoạn hiện nay, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng không ngừng được đổi mới theo hướng sâu sát, nắm chắc tình hình để đề ra các chủ trương đúng và trúng. Nhất là, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm các quyết sách lãnh đạo, tận dụng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, từng bước đưa tỉnh nhà vượt qua khó khăn để xây dựng phát triển, giành được nhiều thành tựu khá toàn diện. Nhờ đó, Sau 45 năm sau ngày giải phóng, 16 năm tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã vượt lên và luôn duy trì ở mức khá. Nền kinh tế đã hình thành rõ nét ba trụ cột chủ yếu. Kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới giao thông được nâng cấp hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Thứ hai, Đảng bộ luôn giữ vững phương châm “lấy dân làm gốc”, giữ vững mối liên hệ mật thiết với nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết.

Đảng bộ tỉnh ra đời và phát triển trong điều kiện của một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống với những đặc trưng về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và lịch sử không đồng nhất. Trong quá trình xây dựng, phát triển và củng cố tổ chức, Đảng bộ luôn có định hướng đúng đắn về xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc. Đảng bộ đã chủ động, linh hoạt nắm bắt tư tưởng, tâm lý, đặc thù của nhân dân ở địa phương. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đấu tranh cách mạng với phương châm “cầm tay chỉ việc”, mỗi một cán bộ, đảng viên thực sự gương mẫu, “nói phải đi đôi với làm”, quần chúng hóa, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất, dạy dân học chữ. Dựa vào cơ sở, nhất là các già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, nhờ đó mà phong trào cách mạng phát triển đều giữa các vùng, tạo thế phối hợp cho nhau, tạo điều kiện cho chính quyền làm tròn chức năng, nhiệm vụ ở địa phương.

Nhờ đó, đồng bào các dân tộc tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc trên địa tỉnh cống hiến sức người, sức của với hàng ngàn thanh niên tham gia thoát ly làm cách mạng, cài cắm người vào hàng ngũ địch, tham gia đi dân công, vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ, bộ đội. Đồng bào các buôn làng không kể thanh niên nam, nữ, trẻ già rất tích cực tham gia gùi cõng hàng hóa, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Huy động hàng vạn ngày công lao động và nhiều phương tiện, đồ dùng, lương thực, thực phẩm để xây dựng, bảo vệ thông suốt hai tuyến hành lang phục vụ cuộc kháng chiến.

Với một địa phương có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, hiện nay, Đảng bộ tỉnh xác định, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc phải luôn được xem là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Sau giải phóng cho đến nay, phát huy truyền thống “đoàn kết Kinh - Thượng”, Đảng bộ tỉnh bên cạnh việc quan tâm, làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo thì công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là trọng điểm, thường xuyên. Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc trong tỉnh; thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo, gắn với chính sách dân tộc; kiên quyết ngăn chặn, không để kẻ xấu lợi dụng để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua đó, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn sát cánh cùng cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, chung sức, chung lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Thứ ba, chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ luôn đặt công tác xây dựng Đảng và phát triển đội ngũ đảng viên là công tác trung tâm, thường xuyên. Từ khi thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Quảng Đức (12-1960) đến nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ I (9-1969), các cấp đảng bộ không ngừng được củng cố, vững mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức. Đặc biệt, trong công tác tư tưởng, mặc dù phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế để tuyền truyền, động viên cách mạng nhưng Đảng bộ đã chủ động, kịp thời tuyên truyền, đấu tranh khắc phục tư tưởng hữu khuynh, ngại lâu dài, gian khổ; công tác bảo vệ nội bộ, công tác binh địch vận được đẩy mạnh, các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, sinh hoạt chính trị nhằm quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, tự kiểm điểm, phê bình trong đảng, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Trong phát triển đội ngũ đảng viên, một mặt, Đảng bộ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ người Kinh ở trong tỉnh và từ các nơi điều động đến hoạt động ở Đắk Nông, mặt khác, vừa xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc tại chỗ không đòi hỏi yêu cầu quá cao về trình độ, năng lực làm hạt nhân lãnh đạo cách mạng ở cơ sở và ở huyện. Do đó, đội ngũ đảng viên trong tỉnh ngày càng tăng qua 21 năm kháng chiến, là đầu mối tiếp nhận, tuyên truyền, thực hiện chủ trương của Đảng và là nhân tố góp phần đưa đến thắng lợi trong cách mạng.  Đến cuối năm 1975, toàn Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk có 216 tổ chức cơ sở đảng với 2.456 đảng viên, trong đó có 145 đảng viên dự bị[1].

Giai đoạn hiện nay, xác định “Xây dựng Đảng là vấn đề then chốt”, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương đối với cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ; làm tốt công tác dân vận, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đạihội XII, Nghị quyết Đảng bộ XI, gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nắm bắt dư luận xã hội và đấu tranh các bỏ các thông tin xấu, các luồng tư tưởng thù địch trên không gian mạng, tạo sự ổn định về tư tưởng, chính trị. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông có 12 đảng bộ trực thuộc, với 371 tổ chức cơ sở đảng và 1.906 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Tổng số đảng viên 26.019 đồng chí.

Có thể khẳng định, những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc  tỉnh Đắk Nông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được là hết sức lớn lao và rất đáng tự hào, mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn trong 45 năm sau giải phóng và 16 năm tái lập tỉnh, nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vẫn luôn phát huy sự đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra trên tinh thần tự lực, tự cường, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ tạo điều kiện của Trung ương, sự hợp tác giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Nông giàu đẹp,văn minh.

Cẩm Trang

 

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, HN 2018, tr.187.