Thứ năm, 02/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Quyền bầu cử ở Việt Nam là thành quả cách mạng và được Hiến định

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, đã tung ra nhiều luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc gây nhũng nhiễu thông tin, hoang mang dư luận nhằm chống phá cuộc bầu cử. Một trong những luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp được chúng tung ra lần này đó là: “Việc bầu cử Quốc hội và HĐND chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự”, “phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do”[1]… Thực chất những luận điệu ấy chỉ nhằm xuyên tạc về quyền bầu cử của công dân, về cơ chế, nguyên tắc tiến hành cuộc bầu cử, tạo nên nhận thức lệch lạc, gây hoài nghi trong xã hội, từ đó kích động, kêu gọi người dân không đi bầu cử, “tẩy chay”, phá hoại cuộc bầu cử.

Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền của Ủy ban bầu cử tỉnh họp triển khai nhiệm vụ tuyên truyền bầu cử đại biểu QH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026

Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền bầu cử không chỉ là quyền bỏ phiếu, mà còn bao gồm quyền đề cử. Đây là quyền chính trị quan trọng bảo đảm cho công dân có thể tham gia vào việc thành lập ra những cơ quan quan trọng nhất của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được hiến định từ khi lập quốc, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên (1946). Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND” (Điều 27). Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp 2015 quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này”.

Như vậy, Việt Nam không hề có hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân nếu họ xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước và được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Với nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Lịch sử đất nước đã chứng minh quyền bầu cử - quyền lợi cơ bản nhất của công dân không phải từ trên trời sa xuống, tự dưng mà có, hay do thế lực nào ban phát. Đó là thành quả của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam. Từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta, những quyền cơ bản nhất của con người mà người dân Việt Nam xứng đáng có được đã bị tước đoạt, chà đạp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã kiên cường đấu tranh để giành lại được độc lập, tự do, đánh dấu bằng sự kiện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời Ngày 2/9/1945. Kể từ đó, người dân Việt Nam chính thức được hưởng đầy đủ các quyền công dân của một nước độc lập, trong đó có quyền bầu cử. Sau năm 1945 đến nay, Nhân dân ta, theo con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo đã kiên trì tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân đánh bại các kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, đồng thời, bảo vệ quyền công dân của mỗi người Việt Nam. Chân lý ấy đã nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam: Quyền bầu cử - quyền cơ bản nhất của công dân Việt Nam có được là do xương máu hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ công dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, đi bầu cử không chỉ là quyền lợi của mỗi công dân, mà cao hơn nữa còn là sự thừa hưởng và nối tiếp, giữ gìn thành quả cách mạng.

Theo quan điểm biện chứng, quyền lợi luôn đi đôi với nghĩa vụ, như Điều 15 Hiến pháp 2013 quy định “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”. Do đó, việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề của mỗi công dân nhằm mục đích lựa chọn cho mình những người đại diện và trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.

Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các công dân đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, tích cực tham gia vào cuộc bầu cử từ giai đoạn giới thiệu người ứng cử, tham gia các Hội nghị cử tri để đóng góp ý kiến, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đến khi bỏ phiếu bầu để ngày bầu cử đã thực sự trở thành ngày hội non sông, một dịp sinh hoạt chính trị của nhân dân cả nước.

Thành Nhân

 

[1] http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-hoi-dong-nhan-dan-la-nghia-vu-va-quyen-loi-cua-moi-nguoi-dan-132462