Sự lựa chọn của lịch sử!
Ra đi tìm đường cứu nước là lựa chọn của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sau bao suy tư, trăn trở, chứng kiến cảnh đói khổ, lầm than của đồng bào. Ra nước ngoài, tìm một con đường mới để giải phóng dân tộc là mục tiêu của Người sau sự chiêm nghiệm về thất bại của các phong trào đấu tranh diễn ra trước đó, với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu”[1]. 30 năm, bước chân của Người đã in dấu trên nhiều quốc gia, châu lục, nhưng có lẽ, vấn đề lớn nhất Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm và trăn trở chính là con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.
Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất chỉ có thể là chủ nghĩa Mác - Lênin
“Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng, đây là sự lựa chọn của lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”[2]. Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 cho thấy: Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Cách mạng tháng Mười Nga, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn sáng suốt, duy nhất đúng đắn, gắn liền với vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Ái Quốc là một trong số ít các nhà yêu nước ở các nước thuộc địa tiếp thu được “ánh sáng kỳ diệu” từ bản Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, nhận thức và nắm bắt được hướng phát triển của thời đại từ sau Cách mạng tháng Mười Nga. Sự kiện Người gia nhập Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (12-1920) có ý nghĩa hết sức quan trọng: trở thành người cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, chính thức đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở nước ta vào quỹ đạo vô sản thế giới, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đây là sự “khẳng định một hướng đi mới, nguyên tắc chiến lược mới, mục tiêu và giải pháp hoàn toàn mới, khác về căn bản so với các lãnh tụ của các phong trào yêu nước trước đó ở Việt Nam; đưa cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, tức là sự nghiệp cách mạng ấy phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng”[3].
Có thể khẳng định rằng, Luận cương của Lênin đã tạo bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng, lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn vận động của phong trào cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc kết luận “muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”[4].
Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội
“Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”[5]. Khi xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hướng theo học thuyết Mác - Lênin, học thuyết “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”[6]. Học thuyết cách mạng và khoa học đó không những giải phóng triệt để giai cấp, những người lao động, các dân tộc bị áp bức, giải phóng triệt để xã hội và con người. Bản chất nhân văn, nhân đạo của học thuyết đó ngày càng được khẳng định và lan tỏa dù đã trải qua rất nhiều thử thách, đương đầu với sự xuyên tạc, phủ định, xét lại và chống phá của các thế lực thù địch. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”[7]. Do đó, 91 năm qua, Đảng luôn chú trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong mọi hoàn cảnh và tình huống, điều đó cho thấy rất rõ quyết tâm và bản lĩnh của Đảng.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định rõ ràng trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930) và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Đây vừa là bài học lớn, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vừa là cội nguồn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước, “Có thể khẳng định rằng: các năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, tạo thành những sợi dây logic - lịch sử của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[8].
Qua mỗi bước ngoặt lịch sử, Đảng ta luôn khẳng định: “ Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[9]. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. [10]. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”[11]. Thực tiễn vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay với thắng lợi trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước đã chứng minh tính đúng đắn, cách mạng, khoa học và sáng tạo của sự lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam.
Có thể khẳng định, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với Việt Nam không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu, mà còn là động lực, là niềm tin sắt son của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau.
Cẩm Trang
[1] Hồ Chí Minh: Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội 2006
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.109.
[3] Ban Tuyên giáo Trung ương: phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.110.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.314.
[5] Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr 406.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304, 289
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 7-8
[8] GS, TS Lê Hữu Nghĩa: Kiên định con đường đã chọn, Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2010, tr.20.
[9] ĐCSVN: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ IX, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83.
[10] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65.
[11] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.46.