Trong bản Yêu sảch của nhân dân An Nam gửi đến Chính phủ Pháp tại Hội nghị Vécxây năm 1919, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu phải thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Thực hiện chế độ bầu cử tự do dân chủ. Để rồi, Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-01-1946, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể khẳng định, sự ra đời của Quốc hội là thành quả đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội đã ban hành được 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), mỗi bản Hiến pháp đánh dấu một sự chuyển mình của đất nước. Cụ thể hóa Hiến pháp, chúng ta đã xây dựng và ban hành được một hệ thống pháp luật, mà về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đây là những giá tri, cống hiến, thành tựu nổi bật trong hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Qua 75 năm hoạt động, 14 khóa Quốc hội, hàng ngàn đại biểu đã được cử tri lựa chọn bầu ra. Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, ngày càng xứng tầm “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[1]. Trong đó, mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri - cử tri với đại biểu ngày càng được tăng cường và gắn bó chặt chẽ, góp phần quan trọng vào hoạt động của Quốc hội.
Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ
Trong khi khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân đối với Nhà nước, Hồ Chí Minh cũng luôn trăn trở một điều có ý nghĩa quyết định là: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[2]. Người chỉ rõ, Nhà nước phải tìm cách hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[3]. Điều 25, Hiến pháp năm 1946 đã ghi rõ: Nghị viện không phải chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân.
Trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa I đã ra Nghị quyết về vấn đề kiện toàn tổ chức của Quốc hội, trong đó quy định cụ thể một số nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội như: Để hiểu rõ tình hình nhân dân, đề đạt ý kiến, nguyện vọng của nhân dân lên Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội phải giữ sự liên hệ với nhân dân ở địa phương đã bầu ra mình hay là ở một nơi thuận lợi với hoàn cảnh cư trú. Chính quyền các cấp có trách nhiệm giúp đỡ các Đại biểu hiểu rõ tình hình nhân dân.
Hiến pháp năm 1980 quy định rõ hơn trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, được Luật tổ chức Quốc hội năm 1981 cụ thể hóa, trong đó có quy định: Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp, phổ biến và giải thích các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
Điều 97, Hiến pháp 1992 quy định: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó.
Điều 21, Luật tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 cũng quy định: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyên vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”. Đồng thời, Điều 27 quy định, “Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri
Ở nước ta, Nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Vì vậy, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, chính là tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta – Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Luật Tổ chức Quốc hội quy định: Đại biểu quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri… về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Do đó, Đại biểu thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri, gắn bó chặt chẽ với cử tri, thông qua nhiều hình thức: tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, định kỳ trước và sau kỳ họp, theo chuyên đề, lĩnh vực; theo nơi công tác và nơi làm việc, nơi cư trú, gặp gỡ cử tri các giới…Ngoài hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri Đại biểu Quốc hội còn tiếp xúc cử tri thông qua hình thức gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri…Qua đó, đại biểu sẽ lắng nghe được những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để đưa vào trong các quyết sách của Quốc hội.
Trong thực tế, để cử tri gắn bó với đại biểu tùy thuộc phần nhiều ở đại biểu. Quyền làm chủ của nhân dân - thông qua Quốc hội - chỉ thực sự có ý nghĩa khi tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri đến được với Quốc hội. Có nhiều con đường để Quốc hội lắng nghe tiếng nói của nhân dân, trong đó kênh thường xuyên, có tính kết nối cao đó là thông qua người đại biểu. Người đại biểu có trách nhiệm, bám sát để đôn đốc, nhắc nhở, giám sát các cơ quan, tổ chức về quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu khi ứng cử, gặp gỡ, tiếp xúc để báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình, lời hứa sẽ thường xuyên giữ mối liên hệ với cử tri là điều không thể thiếu của mỗi đại biểu. Cho nên, đại biểu cần giữ chữ tín với cử tri. Người đại biểu biết phải đặt lợi ích của cử tri lên trên hết, đặt mình vào vị trí của cử tri để cảm nhận, chia sẻ và đưa ra chính kiến. Một khi chính kiến của đại biểu tạo được đồng thuận thì niềm tin của cử tri tăng lên. Khi đó, sự gắn bó giữa đại biểu với cử tri, cử tri với đại biểu sẽ hiện hữu.
Cử tri gắn bó với đại biểu để phát huy quyền làm chủ của mình
Điều 6, Hiến pháp 2013 ghi rõ: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Cử tri bầu ra đại biểu, lập nên Quốc hội, nếu cử tri không gắn bó với đại biểu, không giám sát đại biểu thì tự mình hạn chế quyền làm chủ đã được hiến định, cử tri gắn bó với đại biểu, trí tuệ được phát huy, quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp được bảo đảm bằng pháp luật - sự bảo đảm vững chắc nhất. Quyền làm chủ của nhân dân thông qua Quốc hội được thực hiện. Qua đó, trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân sẽ đến với diễn đàn Quốc hội, kết tinh vào các quyết định quan trọng của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Có thể khẳng định, từ khi cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo, Đảng gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng. Mối quan hệ này đã tạo nên sức mạnh vô địch, trường tồn cho cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, là bài học thực tiễn sinh động, vô giá. Trong lãnh đạo Quốc hội, quan điểm này cần phải được cụ thể hóa hơn để mỗi đại biểu thấm nhuần tư tưởng, bài học này trong mối quan hệ với cử tri, trong hoạt động của người đại biểu - người mang tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân đến với Quốc hội để “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” như Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã đề ra.
Cẩm Trang