Cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông là một bộ phận của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Viêt Nam. Thắng lợi ở Đắk Nông đã đập tan hoàn toàn bộ máy thống trị của bọn thực dân, phong kiến từ thị xã đến buôn làng, đưa nhân dân trong tỉnh lên làm chủ cuộc sống của mình, mở ra giai đoạn mới trong sự phát triển của tỉnh. 75 năm qua đi nhưng thắng lợi to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông đã để lại những trang sử hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tôc của nhân dân trong tỉnh.
Thắng lợi Cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông khẳng định ý chí kiên cường, tinh thần, truyền thống đoàn kết gắn bó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp thi hành kế sách đồng bộ và toàn diện nhằm thâu tóm trong tay toàn bộ miền sơn nguyên Nam Đông Dương. Song, kế sách của chúng vấp phải sự chống đối từ phía các dân tộc trong tỉnh. Với truyền thống yêu nước, yêu độc lập tự do, kiên cường và bất khuất, đồng bào các dân tộc đã đứng lên chiến đấu quyết liệt với thực dân Pháp bùng lên mạnh mẽ, tiêu biểu như khởi nghĩa N’Trang Gưh (1887 - 1913), Ama Jhao (1889 - 1905), Ôi H'Mai và MaDla (1901 - 1922), N’Trang Lơng (1912 - 1935)… Bằng truyền thống đấu tranh đó đã làm cho thực dân Pháp trong suốt quá trình từ khi xâm lược nước ta cho đến Cách mạng tháng Tám không thể đặt ách thống trị của chúng tại đây một cách dễ dàng.
Từ khi Đảng Cộng sản Viêt Nam ra đời, nhất là từ khi các chiến sĩ cộng sản bị thực dân đày biệt xứ tại nhà lao Buôn Ma Thuột, nhà ngục Đắk Mil ánh sáng cách mạng mới rọi đến từng buôn làng, đồng bào dân tộc ở Đắk Nông. Đảng đã vận động, tập hợp, tổ chức và nhân lên gấp bội sức mạnh của truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó vào cuôc vận động giải phóng dân tộc trong điều kiện và hoàn cảnh mới. Cuộc Cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông đã giành đươc thắng lợi toàn vẹn, nhanh chóng và rực rỡ chính là nhờ phát triển đến đỉnh cao của những truyền thống đó.
Sự lãnh đạo của Đảng thông qua các đảng viên cộng sản trong nhà ngục Đắk Mil là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông. Không thuận lợi như những địa phương trong cả nước, ảnh hưởng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đến với phong trào đấu tranh của các dân tộc Tây Nguyên, đến với nhân dân Đắk Nông bằng một con đường riêng - nhà ngục Đắk Mil. Hoạt động của các tổ chức và phong trào đấu tranh cách mạng trong tù vượt qua sự ngăn chặn, bưng bít của kẻ thù, đến với đồng bào các dân tộc, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng. Sự ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Đắk Nông (1943) thông qua các chiến sĩ cộng sản bị đày ở nhà tù đã đưa phong trào cách mạng phát triển sang một trang mới. Từ đây, các cuộc đấu tranh của quần chúng ngày càng diễn ra sâu hơn, rộng hơn và giành được nhiều thắng lợi hơn. Cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn không đổ máu trong khi số đảng viên cộng sản trực tiếp tham gia lãnh đạo chưa có bao nhiêu. Điều đó chứng minh rằng: Đường lối cách mang của Đảng hết sức đúng đắn và uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong đồng bào các dân tộc vô cùng to lớn.
Công tác vận động quần chúng làm cách mạng đã tạo thêm một nhân tố quan trọng, góp phần vào thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông. Đặc thù của Đắk Nông là một tỉnh có nhiều thành phần dân tộc thiểu số, vì vậy cuộc vận động cách mạng ở đây thực chất là cuộc vận động đồng bào các dân tộc tham gia các mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế lịch sử vận động cách mạng tháng Tám ở Đắk Nông cho thấy rằng, cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) và gần đến ngày giành chính quyền, cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc còn rất mỏng, chỉ mới lẻ tẻ có một số chiến sỹ cách mạng, trí thức và binh lính người dân tộc là nòng cốt của cách mạng. Thế nhưng, tin tưởng ở truyền thống và tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc, Đảng ta đã có biện pháp tích cực xây dựng cơ sở, mở rộng phong trào, chăm lo thu hút và đào tạo những phần tử ưu tú người dân tộc thành cán bộ cốt cán, tranh thủ những người thuộc tầng lớp trên có uy tín với quần chúng thực hiện tốt quyền bình đẳng của các dân tộc, tăng cường và phát huy truyền thống đoàn kết, chiến đấu rộng rãi giữa các dân tộc để xây dựng cuộc sống mới. Do đó, cuộc cách mạng đã được thực hiện và bảo vệ bằng khả năng to lớn của các tầng lớp nhân dân, trong đó công - nông đóng vai trò nòng cốt. Điều đó cho thấy, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng được thực hiện và phát huy hiệu quả, góp thêm kinh nghiệm cho công tác vận động cách mạng ở vùng dân tộc ít người.
Xây dựng cơ sở cách mạng trong đội ngũ công nhân, nông dân, binh lính để hình thành khối công - nông - binh liên hiệp của Đảng. Bằng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau, các đảng viên cộng sản ngay từ khi họ thoát khỏi nhà tù đế quốc đã tìm cách vận động tập hợp quần chúng, mà trọng tâm là đi vào giác ngộ đội ngũ công nhân đồn điền là lực lượng chiếm đại bộ phận trong đội ngũ công nhân ở Đắk Nông. Cùng với đó, quá trình vận động nông dân và đồng bào các dân tộc thông qua đội ngũ công nhân ở đồn điền, để cho đường lối, chương trình Việt Minh bắt đầu đi vào đồng bào dân tộc ở các buôn làng. Đặc biệt, công tác vận động binh lính trong tiểu đoàn bảo an binh của địch là một điểm nổi bật trong cuộc đấu tranh giải phóng của quân dân Đắk Nông. Về sau, lực lượng này góp phần làm cơ sở cho việc xây dựng lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Pháp.
Mặt trận Việt Minh trong tỉnh lãnh đạo quần chúng Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến, Trung ương Đảng và Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng ra lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân. 15 giờ ngày 24-8-1945, cuộc mít tinh giành chính quyền diễn ra tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột với hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Êđê, Gia Rai, M’Nông và 500 lính bảo an binh được giác ngộ cách mạng đã quay súng về với cách mạng. Tại các huyện và buôn trong tỉnh như Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Rlấp, Krông Nô dưới sự lãnh đạo của cán bộ, hội viên Việt Minh, nhân dân đã đứng lên giành chính quyền thắng lợi. Tại huyện Đắk Mil, ngày 23-8-1945, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai bù nhìn, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện. Tại huyện Đắk R’Lấp, nhân dân các buôn khu vực Ba Biên Giới nổi dậy tham gia mít tinh lớn tại buôn Bu Prăng với cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ, mừng cách mạng thành công. Sau đó lần lượt mít tinh, thành lập chính quyền cách mạng ở các Tổng, đập phá tượng đài Hăngrimet và dựng bia kỷ niệm anh hùng Bớ N'Trang Lơng tại ngã ba biên giới. Tại huyện Đắk Nông (lúc này thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng) diễn biến cuộc đấu tranh giành chính quyền gặp nhiều khó khăn hơn. Đến 28-8-1945, được sự hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Viên, tổng khởi nghĩa mới giành thắng lợi.
Có thể khẳng định rằng, trong cuộc vận động giải phóng dân tộc 1930-1945, phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từ chỗ tự phát chuyển sang quỹ đạo cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, các cuộc đấu tranh của quần chúng ngày càng diễn ra sâu hơn, rộng hơn và giành được nhiều thắng lợi hơn, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Bài: Cẩm Trang, hình: Tư liệu