Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đắk Nông quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ sau Đại hội XII đến nay, hoạt động trọng tâm là việc triển khai quyết liệt 14 nhiệm vụ “thực hiện ngay và thường xuyên” theo Kế hoạch số 04-KH/TW, ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, với việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp, đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng. Bước đầu đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong việc ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: công tác xây dựng Đảng nói chung, việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trên địa bàn tỉnh còn có những mặt hạn chế yếu kém, đó là:
- Công tác chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa kịp thời, chưa cương quyết; một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện cơ hội, thực dụng, thiếu gương mẫu, vun vén cá nhân, nói không đi đôi với làm, phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước sự khó khăn, bức xúc của dân, thiếu gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trình trạng tham nhũng vặt vẫn còn; tư tưởng cục bộ địa phương, kèn cựa địa vị, gấy mất đoàn kết nội bộ ở một số nơi vẫn còn xảy ra...
- Công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên còn những mặt hạn chế, yếu kém, chưa đi vào chiều sâu, chỉ dừng lại ở mức “phổ biến” cho qua. Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề còn hạn chế; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiệu quả chưa cao, chưa tạo được bước chuyển mạnh mẽ trở thành việc làm thường xuyên trong sinh hoạt của các tổ chức đảng, trong các cấp, các ngành và trong cán bộ đảng viên,...
- Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất cán bộ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ; còn cảm tính, hình thức xuê xoa, chiếu lệ; thiếu tính chiến đấu, thiếu tin thần xây dựng trong đánh giá cán bộ. Công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ở một số cơ quan, đơn vị chưa hợp lý.
- Việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chương trình kế hoạch của một số địa phương còn chậm so với kế hoạch, chất lượng chưa cao. Nhiều vụ việc có kết luận sau thanh tra chưa có sức thuyết phục, thiếu tính ren đe.
- Hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội trong thực tế còn hình thức, hiệu quả tác động chưa cao; việc thiện quy chế dân chủ ở một số cơ sở, một số nơi còn mang tính hình thức. Việc tổ chức nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội tuy đã được triển khai nhưng chưa nhiều, tác động của dư luận xã hội đối với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế.
Những hạn chế, tồn tại nêu trên có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung chủ yếu là:
- Cấp ủy các cấp chưa nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để phòng ngừa, chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm, tư tưởng, lối sống thực dụng, mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thể hiện rõ vai trò gương mẫu nói đi đôi với làm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
- Bản thân cán bộ, công chức, viên chức do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa thường xuyên trau dồi đạo đức, phẩm chất cách mạng, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm được giao. Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức còn nể nang, cục bộ. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát ít được coi trọng và thực hiện một cách triệt để, chưa kịp thời phát hiện và có các biện pháp ngăn chặn từ đầu.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; chúng ta tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 05-ĐA/TU ngày 05/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ tỉnh; Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 26/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; Chỉ thị 08-CT/TU, ngày 07/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết của Đảng và Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Nguyễn Vương Duy Tân - Ban Tổ chức Tỉnh ủy