Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước. Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, hiện nay, các ngành, các cấp đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị bầu cử; các tầng lớp nhân dân đang thi đua chào mừng bầu cử, phấn khởi đặt niềm tin và kỳ vọng hướng về ngày hội lớn của toàn dân.
Trong bối cảnh đó, với bản chất cố hữu thù nghịch và chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đang ráo riết tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động nhằm phá hoại cuộc bầu cử ở Việt Nam.
Phương thức chống phá chủ yếu bằng việc xuyên tạc thông tin, đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện, một chiều, quy chụp; các đối tượng xấu đang hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử. Trong đó, những nội dung chống phá chính mà các đối tượng xấu đang tiến hành là: xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử, đưa ra luận điệu hết sức sai lệch và thâm hiểm như: ““Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”[1] v.v… Với chiêu trò “tự ứng cử”, các phần tử chống đối, cơ hội chính trị được các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ để gây rối, phá hoại nguyên tắc của cuộc bầu cử; cũng qua đó để đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”. Nguy hiểm hơn, càng gần đến ngày diễn ra bầu cử, các đối tượng ra sức xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, nhất là về nguyên tắc hiệp thương dân chủ; việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp…; qua đó, làm cho dư luận tin rằng cuộc bầu cử ở Việt Nam không dân chủ, kêu gọi đấu tranh xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành bầu cử theo phương thức đa đảng kiểu phương Tây.
Trước tình hình đó, chủ động nhận diện và đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá bầu cử của những thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Trước hết, tập trung tuyên truyền giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND năm 2015; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân; phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo; động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, làm cho ngày bầu cử - 23/5/2021 thực sự là ngày hội toàn dân.
Thứ hai, kịp thời cập nhật thông tin về kết quả thực hiện các bước, quy trình để tiến tới cuộc bầu cử; nhất là việc tổ chức hội nghị hiệp thương các cấp theo đúng quy định của pháp luật; việc tham gia đông đảo, có trách nhiệm của cử tri tại các hội nghị hiệp thương; việc bảo đảm tỷ lệ dự kiến cơ cấu đại biểu… ở địa phương để khẳng định tính chất ưu việt của cuộc bầu cử, phản bác các thông tin sai sự thật về cuộc bầu cử.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị hiệp thương lần 2 bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã và đang ra sức giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, tạo bầu không khí phấn khởi, tin tưởng và đồng thuận xã hội. Ủy ban Bầu cử tỉnh kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác bầu cử tại địa phương. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại các địa phương về công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc… Ở cấp tỉnh, đến Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, có 96 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IV, trong đó 42 người là nữ, chiếm 43,75%; 36 người trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), chiếm 37,5%; 21 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 21,8%; 10 người ngoài Đảng, chiếm 10,4%; 10 người theo các tôn giáo, chiếm 3,1%. Tất cả các tỷ lệ trên đều vượt so với yêu cầu, đặc biệt là tỷ lệ người ngoài Đảng, người theo các tôn giáo, dân tộc thiểu số đạt cao là minh chứng rõ ràng khẳng định tính đại diện rộng rãi cho các giai tầng của người ứng cử; thể hiện bầu không khí dân chủ và quyền làm chủ của người dân được phát huy.
Thứ ba, huy động đông đảo lực lượng, trong đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là nòng cốt kết hợp đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, trong đó chú ý kênh truyền thông qua mạng xã hội để kịp thời chuyển tải thông tin chính thống, với tần suất dày đặc về cuộc bầu cử đến với các giai tầng trong xã hội, từng bước phản bác và lấn át các thông tin sai sự thật, bôi nhọ liên quan đến công tác bầu cử trên mạng internet.
Thứ tư, cùng với việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến bầu cử; các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử. Công khai kết quả xử lý trên các báo chí truyền thông để tạo sức răn đe, giáo dục.
Trên hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm hạt nhân phải nhận thức rõ trách nhiệm chính trị của mình trong việc cùng với cấp ủy, chính quyền tổ chức thành công cuộc bầu cử. Chủ động cung cấp, định hướng thông tin giúp người dân nhận diện rõ bản chất sai trái, bịa đặt và cảnh giác với các luồng thông tin liên quan đến cuộc bầu cử do các thế lực thù địch, phản động tung ra. Mỗi người cần nâng cao khả năng “tự đề kháng”, tự bảo vệ chính mình trước các thông tin, xấu độc; có thái độ, trách nhiệm rõ ràng trước các luồng thông tin xấu lan truyền trên mạng xã hội trước, trong và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử.
Thực hiện thành công cuộc bầu cử, sẽ thiết thực góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta.
Thành Nhân - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
[1] http://www.tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nhan-dien-va-dau-tranh-voi-cac-hoat-dong-chong-pha-bau-cu-132352