Chủ nhật, 19/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Từ người thanh niên yêu nước Nguyến Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc trong hành trình lựa chọn con đường cho cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”[1]. Và, chính cuộc đời hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ đã là câu trả lời đúng đắn nhất cho câu nói ấy của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam! Mỗi bước tiến, mỗi thắng lợi của Nhân dân ta, của Đảng ta “đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động của Người cùng với sự nghiệp của nhân dân ta và của Đảng ta là một thiên anh hùng ca bất diệt của cách mạng Việt Nam”[2].

Từ tuổi niên thiếu, với tinh thần ham hiểu biết và học hỏi, với tư duy độc lập sáng tạo, Nguyễn Sinh Cung đã sớm hình thành chí hướng lớn lao và quyết tâm tìm con đường đi cho cho riêng mình. Đó không phải con đường cứu nước theo chủ nghĩa trung quân ái quốc của hệ tư tưởng phong kiến, cũng không phải con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản của các nhà yêu nước đương thời mà chính bởi “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ Tự do - Bình đẳng - Bác ái của nước Pháp mà Người quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới. Người đã sớm nhận thức được “cái mà dân tộc cần trước tiên chưa phải là súng đạn, của cải, mà là cách đuổi giặc cứu nước, là làm cách mạng, hay nói cách khác là lý luận cách mạng và phương pháp cách mạng”[3]. Với đôi bàn tay trắng, bằng ý chí “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”[4] đã trở thành hành trang giá trị nhất của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm, dấu chân Người từng in trên 3 đại dương, 4 châu lục và khoảng ba mươi quốc gia trong 10 năm (1911 - 1920). Quá trình thâm nhập thực tiễn rộng lớn đó cũng đã giúp người thanh niên yêu nước nhận thức rõ hơn, khái quát hơn ba vấn đề mang tính chất bước ngoặt quan trọng. Để từ đó, Người tìm thấy, bắt gặp và lựa chọn con đường cách mạng vô sản: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo Luận cương của Lênin, theo Cách mạng Tháng Mười Nga là con đường cho cách mạng Việt Nam.

Bước ngoặt đầu tiên, là nhận ra diện mạo, bản chất của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

Khi đặt chân đến nước Pháp - quê hương của khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, cảm nhận đầu tiên của Người: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế… Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”[5]. Khi đến Mỹ, Nguyễn Tất Thành lại thấy: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp”. Người còn đến nhiều nước, tiếp xúc với những người dân lao khổ và chứng kiến sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân. Từ đó, Người rút ra một kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”.Để rồi, từ sự đồng cảm với đồng bào mình khi bị mất tự do, độc lập đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc cùng cảnh ngộ bị áp bức như trên thế giới.

Bước ngoặt thứ hai, nhận ra bản chất của các cuộc cách mạng ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Bôn ba tới nhiều nước châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, Nguyễn Tất Thành chú ý trước hết đến cuộc cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ - tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới (1776), nhưng Người thấy rằng: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”[6] . Người nghiên cứu cuộc cách mạng tư sản triệt để nhất thời cận đại, đó là đại cách mạng tư sản Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (1789). Nhưng Người nhận thấy, trong xã hội Pháp sau cách mạng, dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Người nhận ra rằng, về thực chất, bản chất của các cuộc cách mạng tư sản không hề có ý định tiêu diệt chế độ bóc lột, mà chính là sự thay thế về phương thức bóc lột, từ phương thứ bóc lột phong kiến sang phương thứ bóc lột tư bản. Từ đó, Người rút ra kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản. Cách mệnh không đến nơi, không triệt để, tiếng nói là cộng hòa là dân chủ. Kỳ thực bên trong thì nó bóc lột công nông trong nước, ở ngoài thì áp bức thuộc địa”[7]. Nhận thức này của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là bước quyết định đầu tiên trong hành trình lựa chọn con đường cho cách mạng Việt Nam.

Bước ngoặt thứ ba, tiếp cận Cách mạng Tháng Mười và Luận cương của Lênin, quyết định con đường cho cách mang Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ (1917) là sự “Mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”[8]. Đó là cuộc cách mạng “chưa từng có” trong thế kỷ XX, đó là cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu, là cột mốc đánh dấu thời kỳ cách mạng mới vì những mục tiêu thời đại trên phạm vi toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Giữa lúc đang trăn trở tìm một con đường cứu nước phù hợp thì Người tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười. Người nói: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết”[9]. Với sự nhạy bén và khát vọng cháy bỏng của một người đang tìm đường cứu nước, chàng thanh niên ấy đã nắm bắt được giá trị đầu tiên và căn bản của cách mạng tháng Mười Nga, đó là sự giải phóng. Từ đây, Nguyễn Tất Thành bắt đầu nghiên cứu về Cách mạng Tháng Mười và tìm đọc các quyển sách của V.I.Lênin, ấp ủ giấc mơ được gặp V.I.Lênin - người lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Kiên trì mục tiêu và đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, Nguyễn Tất Thành đã “thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam”[10] tại Pháp quyết tâm và đặt nhiều kỳ vọng trong Bản Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đòi quyền bình đẳng về chính trị, pháp lý, quyền con người, quyền dân sinh, dân chủ cho Nhân dân Việt Nam và nhân dân xứ Đông Dương trước diễn đàn chính trị quốc tế với danh xưng Nguyễn Ái Quốc - tức là người thanh niên yêu nước họ Nguyễn. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đi vào lịch sử của thể kỷ XX như một nhân vật nổi bật với những hoạt động cách mạng nổi bật. Mặc dù, Bản Yêu sách của nhân dân An Nam không được chấp nhận nhưng đã tác động mạnh mẽ đến phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể tin cậy vào mình, trông vào lực lượng của bản thân mình”[11]. Bắt đầu từ đây, Nguyễn Ái Quốc, bằng trí tuệ sắc sảo, bản lĩnh, nhân cách vĩ đại đã trở thành linh hồn của những người Việt Nam yêu nước sau này.

Cuộc gặp lịch sử giữa V.I.Lênin với Nguyễn Ái Quốc ở “Sơ thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” (7/1920) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình 10 năm bôn ba của người yêu nước của Nguyễn Ái Quốc. Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào, là ngọn đèn soi đường giải phóng cho nhân dân các nước ở Đông Dương đang rên xiết dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân. Người xúc động: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[12]. Có thể nói, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc thuộc địa. Người “hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[13], bỏ phiếu gia nhập Quốc tế Cộng sản (12/1920) và khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[14]. “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[15]. Đó là lôgíc tất yếu của một quá trình khảo nghiệm, nhận thức từ lịch sử dân tộc đến lịch sử thế giới, từ các ngả đường cứu nước của các thế hệ trước đến các cuộc cách mạng tư sản, vô sản thế giới; từ các chủ nghĩa, học thuyết của các cuộc cách mạng, các tổ chức quốc tế đến Luận cương của Lênin. Chính thời khắc đó xuất hiện người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa Mác - Lênin, từ người yêu nước trở thành người cộng sản, lựa chọn ra con đường cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, con đường cách mạng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của lịch sử nước ta, đưa cách mạng nước ta đến thành công. Đó còn là quá trình tìm đường, nhận đường, lựa chọn con đường của nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đại diện tiêu biểu nhất.

Có thể khẳng định, chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm đến lý tưởng cao quý của chủ nghĩa Mác - Lênin, với khát vọng mang lại hòa bình cho dân tộc, Người đưa ra những thông điệp mang giá trị vĩnh hằng, đó là những thông điệp về hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, đó chính là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường Người lựa chọn suốt 100 năm qua, nay vẫn là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[16]; Đại hội lần thứ XII (2016) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[17]. Do đó, chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định rằng di sản Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay.

Cẩm Trang

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập , Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t.5, tr.575

[2] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới , Nxb Sự thật, H.1970, tr.35

[3] Phạm Xanh: Nguyễn Ái Quốc với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam (1921-1930), Nxb Thông tin lý luận, H.1990, tr.17

[4] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Trẻ - Nxb, CTQG, H.1970, tr.11

[5] Trần Dân Tiên, Sđd, tr.23-24

[6] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.2, tr.270

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, , Sđd, t. 2, tr. 296

[8] V.I. Lê nin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.26, tr 184 - 185

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 561

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 470

[11] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 35-36.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập , Sđd, t.10, tr.127

[13] Phạm Xanh, Sđd, tr.28

[14] Hồ Chí Minh toàn tập , Sđd, t.2, tr.268

[15] Hồ Chí Minh toàn tập , Sđd, t.9, tr.314

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.70.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr.16