Thứ năm, 21/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Công tác thu hồi tài sản từ tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; và các văn bản, kết luận về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn quan tâm và quyết liệt trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng. Xác định đây là khâu quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm khắc phục hậu quả của vụ án, từ đó góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, ngành thi hành án dân sự tỉnh Đắk Nông, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã đạt kết quả khá cao (73,2% về việc và 79,2% về tiền trên tổng số việc và số tiền phải thi hành).

Trong quá trình thi hành án, chấp hành viên đã áp dụng đầy đủ quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi hành án thu hồi tài sản cho Nhà nước và các bên liên quan. Tính từ năm 2013 đến năm 2018, điều tra, thụ lý 81 vụ (18 vụ liên quan tội phạm tham nhũng, 63 vụ tội phạm kinh tế); qua quá trình truy tố, xét xử có 58 bản án đã xét xử về tội tham nhũng, kinh tế với 144 việc thụ lý; 97 việc phải thi hành (trong đó: có 78 việc có điều kiện; 19 việc chưa có điều kiện; 47 việc ủy thác đi). Đến nay, đã thi hành xong và đã giải quyết dứt điểm 71/78 việc với trên 655 tỷ đồng thu cho ngân sách Nhà nước, số vụ, việc còn lại đang thi hành.

Tuy nhiên, số việc và số tiền chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ khá cao (19,6% về việc và 20,5% về tiền trên tổng số việc và số tiền phải thi hành) do đương sự không có tài sản hoặc tài sản không đủ để thi hành án, gây thất thoát Ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Việc phối hợp chỉ đạo công tác thu hồi tài sản đối với một số vụ việc thi hành án phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức chưa được thường xuyên nên thời gian thi hành án kéo dài; Một số điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm công tác, trình độ, nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là các kiến thức chuyên ngành về tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng... Do đó, quá trình điều tra chưa đấu tranh làm rõ hết các thủ đoạn hoạt động của đối tượng phạm tội, đặc biệt trong các thủ đoạn hợp thức hóa, tẩu tán tài sản.

Để làm tốt công tác thu hồi tài sản từ tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế góp phần khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân, cần được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra) trên địa bàn tỉnh nêu cao vai trò, trách nhiệm trong điều tra, xác minh, kê biên, phong tỏa... đối với tài sản của của bị can, bị cáo; với người thân của bị can, bị cáo nếu có bằng chứng nghi ngờ tài sản đó được hình thành từ hành vi vi phạm pháp luật.

Trịnh Nhắn - Ban  Tuyên giáo Tỉnh ủy