Chủ nhật, 19/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Đảng bộ Sở Giao thông - Vận tải lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa tỉnh

Đảng bộ Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) là tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông với chức năng, nhiệm vụ là lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực GTVT trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, quần chúng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Sở; xây dựng tổ chức đảng, cơ quan và các tổ chức đoàn thể vững mạnh toàn diện.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015 - 2020); trong 5 năm qua, Đảng ủy Sở đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Lãnh đạo Ban Giám đốc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô; các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và hoạt động vận tải thủy nội địa chấp hành, thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, các Nghị định, Thông tư của Bộ Giao thông - Vận tải trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Xây dựng hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển giao thông vận tải; thực hiện công tác tiếp nhận, bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tổ chức kiểm tra hiện trường các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và một số tuyến đường giao thông nông thôn; thẩm định phê duyệt hồ sơ các công trình giao thông trên địa bàn, xác định quy mô, cấp hạng của các tuyến đường đầu tư theo quy hoạch giao thông và khả năng nguồn vốn của địa phương để nâng cao hiệu quả đầu tư. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra chất lượng 14 công trình giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác xã hội hóa vận tải được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phát triển cả về số lượng lẫn đầu phương tiện, sản lượng vận tải tăng hàng năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 09 bến xe khách; trong đó có 07 bến xe được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn loại IV tại các huyện và xây dựng 01 bến xe liên tỉnh đạt tiêu chuẩn loại III tại thành phố Gia Nghĩa. Tổng số đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh hiện nay là 28 đơn vị, tăng 07 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ; số tuyến vận tải hành khách cố định đang hoạt động là 154 tuyến, tăng 44 tuyến so với năm 2015 (05 tuyến nội tỉnh, tăng 03 tuyến; 149 tuyến liên tỉnh đi đến 40 tỉnh thành trong cả nước); khai thác 06 tuyến xe buýt vận tải hành khách công cộng; 08 doanh nghiệp - hợp tác xã kinh doanh taxi với 289 xe (tăng 04 đơn vị và tăng 114 xe so với năm 2015). Khối lượng vận chuyển hành khách hàng năm tăng 7%; hàng hóa tăng 8,0%. Toàn tỉnh hiện có 05 cơ sở đào tạo lái xe (trong đó 02 cơ sở đào lại lái xe mô tô, 02 cơ sở đào tạo cả lái xe ô tô và mô tô, 01 cơ sở đào tạo lái xe ô tô), 01 trung tâm sát hạch lái xe. Công tác đào tạo, sát lái xe được thực hiện đúng theo quy định của Pháp luật. Trong 5 năm qua, Sở cấp mới là 82.822 giấy phép lái xe (trong đó 60.587 giấy phép lái xe mô tô hạng A1, 158 giấy phép lái xe mô tô hạng A2, 1.339 giấy phép lái xe mô tô hạng A4 và 20.738 giấy phép lái xe ô tô); cấp đổi 101.132 giấy phép lái xe các loại.

Công tác quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư cho công tác xây dựng phát triển giao thông vận tải khoảng 1.800 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được 480 Km đường, 50 cầu dân sinh, nâng tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh từ 53% lên 64%; trong đó, tỷ lệ nhựa hóa đường huyện từ 80% lên 96%. Dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng mới và nâng cấp được 555 Km đường (gồm: 56 Km Quốc lộ, 99 Km đường huyện, 338 Km đường xã thôn, bon, 38 Km đường đô thị), nâng tỷ lệ đường toàn tỉnh từ 53% lên 65% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 64%). Công tác quản lý bảo trì đường bộ đã được quan tâm thực hiện thường xuyên, góp phần đảm bảo giao thông, an toàn giao thông, không để xảy ra ách tắc giao thông. Phối hợp tổ chức 30 cuộc thanh tra hành chính, kịp thời xử lý, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; xử phạt nộp ngân sách nhà nước 189.900.000 đồng; lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ 1.417 trường hợp; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.324 trường hợp, chuyển chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt 93 trường hợp; nộp ngân sách Nhà nước 4.485.500.000 đồng.

Nhờ lãnh đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý nhà nước, hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải nên tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh hàng năm đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương (so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, số vụ tai nạn giao thông giảm 194 vụ, số người chết giảm 138 người, số người bị thương giảm 85 người).

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là:

- Nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh hết sức hạn hẹp, vốn để đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương hỗ trợ nên tiến độ các dự án bị kéo dài, chậm đưa công trình vào khai thác, sử dụng; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn, ngân sách đền bù ngày càng cao, giá cả nguyên vật liệu luôn biến động tăng, thủ tục đầu tư và hệ thống văn bản chưa thực sự ổn định, thường xuyên bổ sung, điều chỉnh.

- Vốn bố trí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ địa phương còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu; chủ yếu thực hiện trên hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ; hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường xã chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên công tác sửa chữa bảo trì còn nhiều hạn chế, chỉ sửa chữa các điểm hư hỏng nặng, cấp bách phục vụ đảm bảo giao thông được thông suốt.

- Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân chưa cao; ở một số nơi chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm phối hợp trong việc xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông; chưa giải quyết triệt để các trường hợp vi phạm dẫn đến tình trạng chây ì, không tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, gây khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới Đảng bộ Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục phát huy những kết đã đạt được trong những năm qua, quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; phát huy sức mạnh đoàn kết, vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch mà Đảng và Nhà nước giao. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông vận tải; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch giao thông (theo Luật quy hoạch), đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình; kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình; tham mưu đề xuất, giải quyết xử lý dứt điểm tồn tại một số dự án chuyển tiếp do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư; quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý, bảo trì đường, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe... Quyết tâm xây dựng ngành Giao thông Vận tải phát triển nhanh, mạnh, bền vững; không ngừng củng cố, xây dựng Đảng bộ, cơ quan và tổ chức đoàn thể vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Bùi Hồng Mến