Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 01/8/2020 mở ra nhiều cơ hội và tạo nên sức bật mới cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm cho GDP Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25 (giai đoạn 2019 - 2023); từ 4,57% - 5.30% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033). Đặc biệt, mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại phát triển .
Đối với xuất khẩu hàng hóa, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6 dòng thuế giữa Việt Nam với UE (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU) và khoảng 48 dòng thuế xuất khẩu từ EU vào Việt Nam được dỡ bỏ thì nhiều ngành hàng của Việt Nam như; dệt may, giày da, nông lâm thủy sản và đồ gỗ sẽ có lợi thế nhất định (vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất) trong việc gia tăng cơ hội xuất khẩu; trong đó, phải kể đến các mặt hàng chủ lực của khu vực Tây nguyên (Cà phê, tiêu, rau quả và mật ong tự nhiên). Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay (bối cảnh dịch bệnh toàn cầu kéo dài và diễn biến phức tạp), nhiều quốc gia và nhà đầu tư đang có xu hướng “chuyển dịch đầu tư” nhằm giảm sự lệ thuôc vào một quốc gia nhất định, EVFTA chính là định chế quan trọng góp phần tăng tính hấp dẫn đối với môi trường đầu tư Việt Nam.
Thị trường EU được biết đến là một thị trường hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu về quy tắc nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa muốn được ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu sản xuất phải đảm bảo tỷ lệ nhất định về hàm lượng nội khối (có nguồn gốc từ các nước thành viên); ngoài ra các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường…cũng khá nghiêm ngặt. Trong khi đó, hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều, khả năng thay đổi ngay để thích ứng với điều kiện phát triển mới của doanh nghiệp cũng khá hạn chế. Theo khảo sát bước dầu cho thấy có tới 40% doanh nghiệp khó cải thiện điều kiện lao động, 55% doanh nghiệp khó có điều kiện đầu tư, thay đổi công nghệ mới, 59% doanh nghiệp khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa….
Từ những cơ hội và thách thức nêu trên đã đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng những mục tiêu và nhiệm vụ mới; đây cũng là điều kiện để các doanh nghiệp đổi mới phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng và làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, EVFTA được thông qua có tác động tích cực đến Việt Nam trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới, thị trường mới giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng nhằm bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Để tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt thông tin, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và kịp thời đề ra những giải pháp trong ngắn hạn nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế do Hiệp định mang lại; trước mắt, khuyến cáo các doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường các nước EU thông qua các hội thảo, hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung, cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA đối với các đối tác đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp. Chủ động điều chỉnh và thay đổi về chiến lược sản xuất kinh doanh, cơ chế quản lý, quy trình công nghệ và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất sứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và các hàng rào kỹ thuật nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc “tăng chất lượng, giảm giá thành”. Nắm vững các quy định pháp luật, thực hiện đúng các nội dung cam kết của Việt Nam về chính sách đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động… để triển khai Hiệp định hiệu quả. Có thể nói, EVFTA mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt tham gia vào sân chơi thương mại quốc tế với tâm thế mới trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của mình tại mỗi địa phương, nhằm góp phần quan trọng trong việc đưa quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - EU lên tầm cao mới, đóng góp tích cực vào sự hòa bình, ổn định và phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hương Lữ