Thứ bảy, 18/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước và tham gia các cuộc vận động xã hội, nhân đạo, từ thiện đã được các cấp công đoàn tỉnh Đắk Nông tổ chức thường xuyên, phong phú, đa dạng, có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tích cực hưởng ứng, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” được cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức khối đảng, chính quyền tích cực hưởng ứng, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện cơ chế “Một cửa”,“Một cửa liên thông ”… của các cơ quan hành chính, sự nghiệp từ tỉnh đến cơ sở, nhiều sáng kiến của các cơ quan, đơn vị được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Cán bộ, đoàn viên và người lao động ngành Y tế thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “Xiết chặt kỷ cương, tăng cường y đức, nâng cao nghiệp vụ”, rèn luyện tác phong ứng xử, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng khám, chữa bệnh của nhân dân. Ngành Giáo dục và Đào tạo nổi bật với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” gắn với phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp giảng dạy, quản lý được vận dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao...

Ở khối doanh nghiệp, các công đoàn cơ sở đã chủ động và tích cực phối hợp với người sử dụng lao động triển khai thực hiện các phong trào thi đua đạt hiệu quả, nội dung thi đua phù hợp với lĩnh vực ngành nghề và điều kiện thực tế của đơn vị; qua đó, kịp thời động viên đoàn viên và người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tăng cường các biện pháp quản lý kinh tế, nâng cao công suất máy móc, thiết bị, giảm thiểu chi phí sản xuất với khẩu hiệu “Năng suất và chất lượng” tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển. Tiêu biểu là Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Đại Thành đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, khơi dậy, phát huy vai trò của đoàn viên, người lao động tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác, chế biến lâm sản đạt hiệu quả kinh tế cao; Công đoàn cơ sở Công ty CP cao su ĐĂKNÔRUCÔ thực hiện tốt phương châm “Nói cho công nhân biết, công nhân thông để công nhân làm”;  Công đoàn cơ sở Sở Giao thông vận tải với phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đường Bắc Nam (đoạn đi qua trung tâm thị xã Gia Nghĩa) trước thời gian quy định; phong trào thi đua “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Kinh doanh giỏi, phục vụ tốt” của Công ty Điện lực Đắk Nông; “Xây dựng nét đẹp văn hóa và quy tắc ứng xử” của Bưu điện tỉnh; phong trào“Xây dựng đơn vị ngân hàng trong sạch, vững mạnh, hướng tới hội nhập”của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Đắk Nông...

Phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” được các cấp công đoàn thường xuyên phối hợp với thủ trưởng đơn vị, người sử dụng lao động tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, người lao động nhằm nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong việc tạo môi trường làm việc thân thiện, cảnh quan sạch đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, các cấp công đoàn tham gia ban chỉ đạo và cùng các ngành chức năng kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” theo các quy định, tiêu chí đề ra. Kết quả trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức 35 lớp tập huấn, huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho gần 4.000 lượt người tham gia; củng cố và kiện toàn, duy trì hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động, kiến nghị giải quyết và thực hiện đúng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia công tác an toàn, vệ sinh lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phong trào thi đua thực sự đã đem lại hiệu quả: Hàng chục ngàn cây xanh đã được trồng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phòng làm việc của cán bộ, đoàn viên và người lao động sạch sẽ, thoáng mát, gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, hạn chế tiếng ồn; thường xuyên phối hợp kiểm tra thiết bị máy móc, đặc biệt các thiết bị máy móc có quy trình vận hành nghiêm ngặt, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho công nhân, người lao động; phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đoàn viên và người lao động ; nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được công nhận“Cơ sở văn minh, sạch sẽ, an toàn”, điển hình cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Sở Nội vụ, Điện lực Đắk Nông, Viễn thông Đắk Nông và nhiều cơ sở giáo dục, y tế, ngân hàng…

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TLĐ, ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, người lao động, phong trào đã được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh triển khai gắn liền với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “5 không, 3 sạch” (Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) nhằm phát huy những phẩm chất tốt của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với các tiêu chí “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã thu hút đông đảo nữ công nhân, viên chức, lao động ở các thành phần kinh tế tham gia, vai trò, vị thế người phụ nữ ngày càng được khẳng định.

Hàng năm, có trên 80% nữ công nhân, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; thông qua phong trào thi đua, hàng nghìn chị em được công nhận, vinh danh các danh hiệu thi đua, được giới thiệu, bồi dưỡng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trưởng thành, vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, được giao đảm nhận các cương vị chủ chốt trong cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội... Từ hoạt động phong trào, đã giúp nữ công nhân, viên chức, lao động thực hiện hài hòa 2 chức năng trong mối quan hệ “gia đình và xã hội”, vượt lên những khó khăn trong cơ chế thị trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị giao phó, thực hiện tốt vai trò người mẹ, người vợ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tiêu biểu cho phong trào này có các tập thể: Ban Nữ công Liên đoàn Lao động thị xã Gia Nghĩa, Liên đoàn Lao động huyện Đắk Mil, Liên đoàn Lao động huyện ĐắkR’Lấp, Ban Nữ công công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Viên chức, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh...

Hàng năm, các cấp công đoàn đã chủ động tuyên truyền, tích cực vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động hưởng ứng, ủng hộ, góp thêm nguồn lực xây dựng nhiều công trình trường học, trạm xá, nhà văn hóa cộng đồng, kênh mương, đường giao thông nông thôn... góp phần cải thiện đời sống của người dân. Đặc biệt, đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình đã được triển khai và nhân rộng như nuôi bò cao sản, nuôi gà Mông, trồng hoa lay ơn, cây mác ca, ca cao, tiêu, cà phê cao sản, rau sạch... Cán bộ, đoàn viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các sáng kiến, các đề tài khoa học đã được ứng dụng có hiệu quả, điển hình là đề tài “Phát triển cây ca cao bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030”, đề tài “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh”…

Công tác đăng ký nhận đỡ đầu giúp các xã xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp công đoàn trong tỉnh cùng với cơ quan, đơn vị quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tiêu biểu trong phong trào này là Liên đoàn Lao động huyện Krông Nô đăng ký “Tư vấn, hướng dẫn làm đường nội đồng để xây dựng cánh đồng điểm xã Nâm N’Đia”; Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng ký “Cung cấp tài liệu về khuyến nông và phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân trên địa bàn xã Đắk Rung”; Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo đăng ký thực hiện “Một số tiêu chí lĩnh vực giáo dục trong xây dựng nông thôn mới tại xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức”; Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 2 dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư Jút và huyện Krông Nô, số tiền 210 triệu đồng; Công đoàn cơ sở các cơ quan Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện tốt việc đỡ đầu cho các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…

Thông qua Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý, tạo điều kiện giúp đỡ đoàn viên, người lao động xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng phát triển. Đến nay, tổng số vốn thực hiện là 970 triệu đồng, phân bổ, giải ngân 22 dự án, giải quyết việc làm cho 391 đoàn viên, người lao động, để chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Hoạt động xã hội của công đoàn được cán bộ, đoàn viên, người lao động hưởng ứng tích cực như Quỹ “Mái ấm Công đoàn”, Quỹ “Vì đoàn viên công đoàn nghèo”; tổ chức “Tết Sum vầy” cho công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thăm và tặng quà các đơn vị lực lượng vũ trang... Ngoài ra, các cấp công đoàn kêu gọi đông đảo công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng các cuộc vận động do Trung ương phát động, như tích cực đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động;  Quỹ "Vì người nghèo" do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; Chương trình “Nghĩa tình Hoàng sa - Trường sa”, “Tấm lưới nghĩa tình” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và các cuộc vận động của địa phương ủng hộ đồng bào bị thiên tai, xây dựng Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng, hỗ trợ bon, buôn kết nghĩa, thăm hỏi gia đình chính sách... Kết quả, trong 5 năm qua, các cấp công đoàn đã chủ động vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động ủng hộ đoàn viên, người lao động khó khăn trên 5 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh tặng gần 3.500 suất quà trị giá 1,5 tỷ đồng; vận động Quỹ "Mái ấm công đoàn" đã hỗ trợ, sửa chữa, xây mới trên 130 căn nhà, trị giá gần 3 tỷ đồng; vận động xây dựng Quỹ "Vì đoàn viên công đoàn nghèo" trên 2 tỷ đồng, giải quyết cho trên 200 đoàn viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế; tích cực kêu gọi cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp các cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động, bình quân mỗi cuộc vận động 01 ngày lương/người, số tiền ủng hộ nộp về Ủy ban MTTQVN tỉnh và Hội Chử thập đỏ tỉnh... với hàng chục tỷ đồng.

Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động của địa phương trong những năm qua đã được các cấp công đoàn triển khai tích cực, hiệu quả, tác động mạnh mẽ, tạo chuyển biến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đoàn viên, người lao động. Ghi nhận những đóng góp đó, nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động xã hội đã được các cấp công đoàn biểu dương, khen thưởng: Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen 234 tập thể, 673 cá nhân; Tổng Liên đoàn tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và hoạt động xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong cán bộ, đoàn viên, người lao động bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Về nhận thức, cơ quan, đơn vị, cán bộ làm công tác thi đua chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; chậm đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức; chưa thực sự quan tâm đến công tác phát động và xây dựng các tiêu chí khen thưởng, nhất là đối tượng công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, tập thể nhỏ… làm giảm ý nghĩa của phong trào thi đua; mức khen thưởng tuy đã nâng lên nhưng chưa thật sự tương xứng với công sức, trí tuệ và tạo được động lực khích lệ người lao động hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Công tác vận động các loại quỹ xã hội ở một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt, chưa tương xứng với tiềm lực huy động, khả năng tài chính và thu nhập của một số cá nhân, tổ chức. Mặt khác, việc triển khai các cuộc vận động còn chồng chéo, thời điểm phát động chưa thật phù hợp, vì thế số lượng người tham gia chưa đạt tỉ lệ như mong muốn...

Để phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động được triển khai hiệu quả, tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là môi trường xây dựng con người mới, động viên tinh thần, trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tạo của cán bộ, đoàn viên, người lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; báo cáo tham luận xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội; chú trọng vận động, giáo dục nâng cao tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, tình yêu thương con người cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Thứ hai, đổi mới đồng bộ công tác thi đua - khen thưởng phù hợp với yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước. Tiến hành đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua theo hướng gắn với quyền lợi thiết thực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phù hợp thực tiễn từng ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.

Thứ ba, trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, phong trào thi đua tập trung vào việc nâng cao chất lượng công tác, nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, trọng tâm là thực hiện hiệu quả phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/BCT của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, liêm chính” nhằm góp phần xây dựng thành công “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân”.

Thứ tư, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần tổ chức thực hiện chiều sâu phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”,“Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Kinh doanh giỏi, quản lý tốt”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; lựa chọn các phong trào thi đua có thế mạnh, gắn với nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương để huy động tối đa nguồn lực phát triển.

Thứ năm, thực hiện tốt hoạt động xã hội đi liền với đẩy mạnh chăm lo lợi ích thiết thân cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Chú trọng phát hiện, khen thưởng kịp thời tập thể và cá nhân xuất sắc trong khu vực sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác; thực hiện tốt công tác nhân rộng điển hình tiên tiến và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện về công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải nhằm động viên và phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

                                         Đinh Trọng Nhương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đăk Nông