Thứ tư, 08/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Một số kết quả thực hiện chiến lược công tác dân số tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2009 - 2019

Trong 10 năm qua (2009 - 2019), công tác dân số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được kết quả quan trọng, chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong của bà mẹ và trẻ em giảm dần, dịch vụ dân số được mở rộng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 01/4/2019 của UBND tỉnh, dân số toàn tỉnh là 622.168 người tăng 132.776 người so với năm 2009, trung bình tăng 2,4%, tương ứng tăng 13.277 người/năm; có 15,23% dân số sống khu vực thành thị tăng 0,53% so với năm 2009 (14,7%), mức độ đô thị hóa của tỉnh Đắk Nông tăng 0,53%, thấp hơn so với toàn quốc (34,43%) và vùng Tây Nguyên (28,68%). Tỷ trọng dân số từ 0 - 14 tuổi 31,6%; 15 - 64 tuổi 64,6%; 65 tuổi trở lên 3,8%. Tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Đắk Nông năm 2019 là 108,4 bé trai/100 bé gái, so với năm 2009 tỷ số này là 102,2 bé trai/100 bé gái, tỷ số giới tính khi sinh sau 10 năm tăng 6,2% trung bình mỗi năm tăng 0,62% (thấp hơn toàn quốc 115,5 bé trai/100 bé gái, vùng Tây nguyên 108,6 bé trai/100 bé gái; Lâm Đồng 115,8 bé trai/100 bé gái; Đắk Lắk 110 bé trai/100 bé gái).

Về chất lượng dân số, tỷ lệ dân số trong độ tuổi học Trung học phổ thông (và tương đương) năm 2019 là 69%, thấp hơn toàn quốc (72,3%) cao hơn vùng Tây Nguyên (60,7%); tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của tỉnh là 14,3%, thấp hơn toàn quốc (23,1%) và vùng Tây Nguyên (16,3%); tỷ lệ phụ nữ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi trên địa bàn tỉnh là 18,3% cao gấp đôi so với toàn quốc (9,1%). Tuổi thọ trung bình đạt 70 tuổi, thấp hơn toàn quốc (73,6 năm) và vùng Tây Nguyên (70,3 năm)…

Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh giai đoạn 1 được triển khai từ năm 2013 tại 03 huyện, 01 thành phố (Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Gia Nghĩa), đến năm 2018 đã triển khai tại 07 huyện, 01 thành phố trong toàn tỉnh với phương thức thực hiện là lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh tại tuyến tỉnh và tại Trung tâm Y tế huyện. Ngành y tế duy trì mô hình Tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân tại 32 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện và thành phố, duy trì sinh hoạt hàng tháng và nâng cao hiệu quả hoạt động của 128 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trong các năm qua giảm dần.

Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh như: Chiến dịch tuyên truyền lồng ghép với cung cấp dịch vụ sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đến các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao, các ngày lễ lớn như ngày Dân số thế giới 11/7, Tháng hành động quốc gia về Dân số, ngày Dân số Việt Nam 26/12, bên cạnh đó hình thức truyền thông tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, truyền thông trong chức sắc, tôn giáo, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ được chú trọng thường xuyên và đem lại hiệu quả cao. Tính đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 62 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên với 2.967 thành viên, nội dung sinh hoạt thường xuyên thay đổi.

Ngành Y tế từng bước cải tiến phương thức cung cấp dịch vụ Dân số/sức khỏe sinh sản theo hướng thân thiện, lấy khách hàng làm trung tâm đối với tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ thông qua hướng dẫn thực hiện và đánh giá cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng, thân thiện với khách hàng. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt 100% xã có Bác sỹ; các hoạt động chăm sóc trước, trong và sau đẻ được chú trọng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng, quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân…

Tuy nhiên, bên cạnh đó tình trạng tảo hôn chung toàn tỉnh là 18,3% (toàn quốc 9,1%), hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ phụ nữ sinh con được cán bộ y tế đỡ đẻ 91,6%; trong đó vùng thành thị 98,8% vùng nông thôn 90,6%; tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên vẫn còn xảy ra 5,2% (năm 2019). Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai hàng năm nhằm phát hiện sớm bệnh, tật bẩm sinh, nhưng số lượng được nhà nước hỗ trợ còn hạn chế, đa số người dân chưa chấp nhận tự chi trả cho hoạt động này.

Giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 để thực hiện tốt công tác dân số, đặc biệt là giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất và tinh thần đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển tỉnh Đắk Nông nhanh, bền vững. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh về công tác dân số trong tình hình mới, bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội. Trong đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia, giám sát thực hiện công tác dân số; đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân số, đặc biệt là cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phong trào thi đua về công tác dân số của các địa phương. Lấy kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về dân số là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp. Tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục về dân số phù hợp với tình hình dân số, điều kiện kinh tế, xã hội, đặc trưng văn hóa của từng vùng, đối tượng. Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành các cấp, nhất là đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản, tổ dân phố. Lồng ghép nội dung công tác dân số vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng; tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa…

Thanh Tùng