Từ năm 2013 đến nay, tình hình tội phạm về tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp, xảy ra ở một số lĩnh vực như ngân hàng, đất đai,… với tính chất ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố 31 tin. Đã giải quyết được 28 tin (khởi tố:25 tin; không khởi tố: 02 tin; tạm đình chỉ: 01 tin). Thụ lý kiểm sát điều tra: 34 vụ/115 bị can; đã đưa ra xét xử 32 vụ/91 bị cáo. Giá trị tài sản bị thiệt hại qua các vụ án tham nhũng, kinh tế là 1.106.650.771.303 đồng. Trong đó, bị can và gia đình tự nộp khắc phục là 32.105.890.000 đồng; thu giữ: 719.022.173.582 đồng; kê biên 28 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất với diện tích 45.896,5m2. Điển hình một số vụ án lớn, phức tạp đã được giải quyết, năm 2014 giải quyết vụ án Vụ Việt Hùng lừa đảo gần 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắk Lắk - Đăk Nông và Ngân hàng Phương Đông thành phố Hồ Chí Minh; năm 2018, 2019, VKSND tỉnh đã cùng với lực lượng Công an tỉnh triệt phá thành công chuyên án hàng giả (xăng giả) liên tỉnh thành do Lưu Văn Nguyện, Trịnh Sướng... cầm đầu và hàng chục bị can khác bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” với số lượng xăng giả gần 200 triệu lít, thu về số tiền bất hợp pháp hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử thành công vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực thẩm (trộn tạp chất than pin vào tiêu để bán ra thị trường) mà dư luận cả nước một thời quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn có một số hạn chế, khó khăn như: Tiến độ điều tra, xác minh giải quyết tố giác, tin báo; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng có nhiều chuyển biến nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, còn để kéo dài; một số vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm tốt công tác phối hợp, dẫn đến án phải gia hạn thời hạn giải quyết hoặc bị trả hồ sơ điều tra bổ sung; đa số các vụ án tham nhũng xảy ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có thủ đoạn phạm tội tinh vi và luôn tìm cách đối phó, che dấu với cơ quan điều tra nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn…
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn trong quá trình giải quyết loại tội phạm này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đưa ra một số kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế như sau:
Một là, để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ; các cơ quan, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các cấp ủy Đảng phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật chấp hành nghiêm chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy Đảng theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban kiểm tra, Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác kiểm tra, giám sát, việc điều tra, truy tố và xét xử.
Hai là, đối với Viện kiểm sát, ngay từ khâu kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố phải nắm và quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, thụ lý, kiểm tra xác minh đối với các nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng của cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tiếp nhận kịp thời các nguồn tin, dấu hiệu tội phạm từ kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng; nguồn tin từ dư luận xã hội, báo chí,… bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm khi xác minh có đủ căn cứ phải được khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Ba là, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế bảo đảm giải quyết toàn diện, triệt để, đúng pháp luật, kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, áp dụng các biện pháp tư pháp khác theo quy định của pháp luật để ngăn chặn tội phạm bỏ trốn, tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác điều tra và thu hồi tài sản sau này.
Bốn là, phân công nhiều kiểm sát viên (có thể thành lập Tổ kiểm sát viên), cử các kiểm sát viên có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, trách nhiệm tham gia giải quyết các vụ án. Lãnh đạo Viện thường xuyên nghe lãnh đạo các phòng nghiệp vụ và Kiểm sát viên báo cáo tiến độ, kết quả điều tra, những vấn đề khó khăn, vướng mắc để cho ý kiến chỉ đạo kịp thời; phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, liên ngành tư pháp tổ chức họp bàn tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án.
Năm là, kiểm sát viên phải nắm chắc các quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường trách nhiệm công tố, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động điều tra, hoặc trực tiếp thực hiện các hoạt động điều tra theo thẩm quyền khi còn băn khoăn hoặc xét thấy cần thiết. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, Điều tra, Kiểm sát và Tòa án với cơ quan thi hành án dân sự.
Sáu là, kiện toàn, sắp xếp, bố trí cán bộ, kiểm sát viên đủ số lượng và mạnh về chất lượng; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện để kiểm sát viên có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, đạo đức trong sáng trở thành những chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực kiểm sát.
Phòng 1 - VKSND tỉnh