Thứ năm, 21/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác giảm nghèo bền vững năm 2020

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 27/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) về công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến cuối năm 2019, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,52% (giảm 2,99% so với cuối năm 2018 và giảm 8,68% so với năm 2016). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bao dân tộc thiểu số là 24,15% (giảm 4,99% so với năm 2018 và giảm 16,23% so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 31% (giảm 6,97% so với năm 2018 và giảm 21,97% so với năm 2016).

Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU chỉ tiêu hàng năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3%, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên hằng năm. Như vậy, có thể nói với kết quả công tác giảm nghèo của tỉnh thực hiện trong 04 năm qua đạt và vượt so với Nghị quyết 04-NQ/TU đề ra. Diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; đời sống của Nhân dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu.

Mục tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU đến cuối năm 2020, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn khoảng 7%, góp phần cùng với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI đề ra: “Đến năm 2020, đưa Đắk Nông thoát ra khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển”. Trong đó, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nhà ở để tăng thu nhập; được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin, nước sinh hoạt và vệ sinh; sơ bản thực hiện hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến hết năm 2020, không còn hộ người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú… Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, Tỉnh uỷ đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác giảm nghèo bền vững sau:

Thứ nhất, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục cụ thể hoá Nghị quyết 04-NQ/TU trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong công tác giảm nghèo, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá tập thể và cá nhân hằng năm.

Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo”. Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Thứ Ba, rà soát chính xác nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp giảm nghèo xác thực, phù hợp, hiệu quả, theo đúng nguyên nhân; phân công các tổ chức, cá nhân theo dõi, giúp đỡ từng hộ với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả (phân công Tỉnh uỷ viên phụ trách địa bàn uyện để theo dõi, chỉ đạo công tác giảm nghèo; huyện uỷ viên, thị uỷ viên theo dõi chỉ đạo công tác giảm nghèo tại các xã….).

Thứ tư, bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác giảm nghèo phải được thực hiện công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, bảo đảm sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ còn bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo; thực hiện đa dạng hoá nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo.

Thứ năm, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, y tế và dinh dưỡng, bảo trợ xã hội, nhà ở, văn hoá và thông tin; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các địa bàn đặc biệt khó khăn…

Thanh Tùng