Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 16/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 26,23%; bình quân mỗi xã đạt 13,9 tiêu chí/xã, tăng 0,69 tiêu chí/xã so với năm 2018. Cụ thể: nhóm 1: có 19/61 xã đạt 19/19 tiêu chí, chiếm 31,15%; nhóm 2: có 8/61 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, chiếm 13,11%; nhóm 3: có 23/61 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 37,71%; nhóm 4: có 11 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm 18,03%; nhóm 5: không còn xã nào dưới 5 tiêu chí[1].
Các huyện, thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố Gia Nghĩa có 1/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 19 tiêu chí/xã, tăng 3,33 tiêu chí/xã so với năm 2018 (có 2 xã đang làm thủ tục hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn). Huyện Đắk R’lấp có 7/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí/xã, tăng 1,1 tiêu chí/xã so với năm 2018. Huyện Cư Jút có 3/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 16,43 tiêu chí/xã, tăng 1,43 tiêu chí/xã so với năm 2018. Huyện Đắk Mil có 3/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 14,67 tiêu chí/xã, giảm 0,44 tiêu chí/xã so với năm 2018. Huyện Đắk Song có 1/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 14,13 tiêu chí/xã, không tăng so với năm 2018. Huyện Krông Nô có 1/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 13,18 tiêu chí/xã, tăng 0,82 tiêu chí/xã so với năm 2018. Huyện Tuy Đức chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 9,33 tiêu chí/xã, không tăng so với năm 2018. Riêng huyện Đắk G’long chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 7,43 tiêu chí/xã, không tăng so với năm 2018.
Đạt được những kết quả trên, cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về chủ trương, đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư vào khu vực nông thôn, với tổng số vốn ước khoảng 15.562,796 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình: 173,196 tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương 113,8 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 59,396 tỷ đồng), chiếm 1,1%; vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khoảng 1.121 tỷ đồng, chiếm 7,2%; vốn doanh nghiệp đóng góp khoảng 63 tỷ đồng, chiếm 0,4%; vốn tín dụng thương mại khoảng 14.000 tỷ đồng, chiếm 89,96% và vốn huy động cộng đồng dân cư khoảng 205,6 tỷ đồng, chiếm 1,32%.
Theo Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, tỉnh Đắk Nông phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí/xã. Để đạt chỉ tiêu trên, tỉnh dự kiến huy động các nguồn vốn đầu tư vào khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2020 khoảng 16.239,518 tỷ đồng. Tập trung chỉ đạo các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 - 2020 hoàn thành các nội dung, tiêu chí còn lại để được xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đúng theo quy định. Chú trọng bố trí nguồn vốn để đưa thành phố Gia Nghĩa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Đắk R’lấp được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tập trung xây dựng được các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng nông thôn. Duy trì và nâng cao kết quả về giáo dục và đào tạo; phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn; tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tuyên truyền, vận động quần chung nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện thí điểm về xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại 05 Khu dân cư.
Thành Nhân
[1] Nguồn: Báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông.