Thứ năm, 21/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Tỉnh ủy ban hành Đề án về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông. Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch hằng năm, các văn bản triển khai thực hiện luật, đề án, chỉ thị liên quan đến công tác PCTN của tỉnh, của Trung ương. Theo đó, trong năm 2019, ngành chức năng đã phát hiện và khởi tố nhiều vụ liên quan đến các tội phạm về tham nhũng: Công an tỉnh đã khởi tố 07 vụ, 16 bị can, Viện Kiểm sát truy tố chuyển Tòa án 08 vụ/24 bị can về các tội đưa, nhận hối lộ xảy, Tòa án nhân dân 02 cấp đã thụ lý 05 vụ/20 bị cáo.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; kiểm tra nội bộ, tự phát hiện hành vi tham nhũng còn hạn chế. Tiền thiệt hại phát hiện qua công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng vẫn còn tồn đọng, chưa thu hồi được triệt để. Công tác giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp đối với lĩnh vực công tác PCTN còn hạn chế, chưa thường xuyên…

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn trong công tác đấu tranh PCTN của tỉnh, Tỉnh ủy[1] đề nghị các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong đấu tranh PCTN của toàn xã hội. Trong đó, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng; phát hiện tiêu cực, tham nhũng, hỗ trợ tích cực các cơ quan tố tụng trong điều tra, làm rõ, xử lý đúng các hành vi tham nhũng; thông tin chính xác, kịp thời về tình hình xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, kỷ luật ngay và nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt" ở các cấp, các ngành. Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Thông qua kết quả đấu tranh chống tham nhũng giúp cấp ủy các cấp sàng lọc cán bộ, nhất là lựa chọn những người đủ đức, đủ tài chuẩn bị nhân sự Đại hội đảng các cấp, dứt khoát không để lọt những người có biểu hiện tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống vào cấp ủy khóa tới.

3.  Các cơ quan có chức năng PCTN (nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) thường xuyên tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nội bộ nhằm nâng cao hơn nữa tâm huyết, trách nhiệm, trong sạch, liêm chính của cán bộ làm công tác PCTN. Các cấp ủy đảng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tố tụng, nhằm phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án với phương châm “phải chống tham nhũng trước hết ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.

4.       Chú trọng công tác nắm bắt dư luận, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý tin báo, tố giác tội phạm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (đặc biệt cải cách về thủ tục hành chính), minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ để ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, vòi vĩnh nhằm vụ lợi trong thi hành công vụ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả công tác tự thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động.

5. Phát huy vai trò cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của cán bộ, đảng viên và tố giác các hành vi tham nhũng với cơ quan có thẩm quyền, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ an toàn, khen thưởng, biểu dương kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín người khác và trật tự, an toàn xã hội.

Trịnh Nhắn

 

[1] Công văn số 1688 - CV/TU ngày 14/11/2019 của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng.