Thứ sáu, 22/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Tiếp tục phát huy vai trò của công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch bệnh

Theo ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 21 bệnh truyền nhiễm với tổng số 1.145 ca mắc; có 04 bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ 2019 là:  Bạch Hầu, tay chân miệng, Dại, uốn ván sơ sinh.  Tuy nhiên về cơ bản, các bệnh dịch đã và đang được tỉnh chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả, tính đến ngày 01/7/2020, tỉnh không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nhóm A (Covid - 19, Cúm A (H5N1, H7N9) ; chủ động  khoanh vùng, dập dịch Bạch hầu, quyết tâm không để lây lan diện rộng.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua phải nói đến sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh; sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự đồng hành của trong công tác tuyên tuyền. Trong thời điểm căng thẳng nhất của cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid- 19, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành Kế hoạch và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch Covid 19 với phương châm coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc”. Các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung phối hợp tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng lòng, thống nhất trong toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình và cộng đồng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp vời ngành chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng tung tin, phát tán sai sự thật, góp phần thiết thực vào công tác phòng, chống dịch Covid- 19. Báo Đăk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông, Đài truyền thanh các huyện, thành phố xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phòng, chống dịch bệnh. Cùng với báo chí tuyền thông, trên các trang mạng xã hội cũng luôn cập nhật, đăng tải, chia sẻ kịp thời, chính xác các bản tin hằng ngày về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, không hoang mang, lo lắng và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng phòng chống dịch hiệu quả.

Sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền đã thực sự đi trước một bước, đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác về nội dung, với hình thức, kênh thông tin tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn dân cư đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID - 19. Với thành công trong công tác phòng, chống COVID-19, cùng với cả nước, Đắk Nông đang trong tiến trình "bình thường mới" cuộc sống sớm nhất; tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Tuy nhiên, chưa qua dịch Covid-19 thì hiện tại Đắk Nông và một số tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đang xảy ra dịch bệnh Bạch hầu. Tính đến ngày 18/7/2020, toàn tỉnh có 32 ca mắc (02 ca tử vong), diễn ra tại 04 địa phương (Huyện ĐắkGlong, Krông Nô, Tuy Đức, Đắk R’lấp). Trước tình hình trên, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh Bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh Bạch hầu. Theo đó một trong những giải pháp cần quan tâm, chú trọng đó là công tác tuyên truyền.

Kế thừa bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid- 19, hơn bao giờ hết lúc này cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền với những giải pháp đa dạng, phù hợp, chung tay đồng hành cùng Ngành y để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Trước hết cần tuyên truyền để người dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu đúng, đủ về bệnh Bạch hầu để từ đó chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Ngành y tế. Các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế, chính quyền địa phương tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu để người dân chủ động thực hiện, khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Thực hiện việc cách ly người bệnh, hạn chế đi lại vùng có ổ bệnh, tuân thủ điều trị dự phòng theo quy định… Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình để phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan phổ biến, tuyên truyền cho người dân. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; ăn uống đủ dinh dưỡng và tăng cường tập luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Lê Hoa