Thứ tư, 08/05/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp và các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh

Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 2.434/4.552 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 53,47%), với tổng số vốn đăng ký 37.895 tỷ đồng, trong đó, phân theo lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản: 107 doanh nghiệp; sản xuất - chế biến - khai khoáng - xây dựng: 565 doanh nghiệp; vực thương mại - dịch vụ, vận tải: 1761 doanh nghiệp

Trong năm 2019, số đơn vị đăng ký thành lập mới là 602, tăng 3,7% so với năm 2018; tổng số vốn đăng ký là 4.126 tỷ đồng (tăng 46,1% so với năm 2018). Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 130 doanh nghiệp, số doanh nghiệp giải thể là 111 doanh nghiệp.

Về các dự án đầu tư ngoài ngân sách, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 340 dự án (trong đó dự án đăng ký đầu tư trong khu công nghiệp 44 dự án) được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 62.347 tỷ đồng. Các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông lâm nghiệp; trong đó: 194 dự án đã đi vào hoạt động; 68 dự án đang gặp khó khắn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ; dự án chậm tiến độ 45 dự án; dự án tạm ngưng hoạt động, ngưng hoạt động, không triển khai: 33 dự án.

Nhìn chung, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, công tác hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp tuy đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng còn một số kiến nghị chưa được giải quyết đến kết quả cuối cùng. Thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát và bãi bỏ, tuy nhiên còn rườm rà, phức tạp, thời gian giải quyết vẫn còn dài. Công tác vận động doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo, tập huấn còn gặp nhiều khó khăn, do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ít quan tâm đến việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ quản lý và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động. Một số chương trình động hỗ trợ doanh nghiệp bị trùng lặp như: tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn, kết nối thị trường… dẫn đến số lượng doanh nghiệp tham gia cũng như chất lượng các hoạt động chưa cao, chưa thực sự mang lại hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn của nền kinh tế, số doanh nghiệp kinh doanh về bán buôn, bán lẻ giảm 24,5%, dịch vụ ăn uống lưu trú giảm 30%, công nghiệp chế biến giảm 9,1%. Khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cũng kéo theo số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng giảm 8,3%; khai khoáng giảm 50%; tư vấn thiết kế giảm 15,8%. Các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư đầu năm 2019 chưa được triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, Đắk Nông tập trung thu hút, hỗ trợ các dự án đầu tư vào các lĩnh vực (1) công nghiệp khai thác bô xít - nhôm, luyện kim; (2) Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị; (3) Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, có thương hiệu của tỉnh và các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa. Để tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực này, người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương cần tập trung, bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường công tác tuyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thương mại, qua đó giúp các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Thanh Tùng