Hòa giải cơ sở (HGCS) là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư, đây là truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc luôn được củng cố, khơi dậy trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hòa giải thành công sẽ hàn gắn, khôi phục, phát huy tình cảm giữa các bên tranh chấp giúp duy trì quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, là chỗ dựa vững chắc trong tổ chức xã hội đoàn kết, hòa hợp, tạo tiền đề ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. HGCS không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mà còn là phương thức an dân, phát huy sức mạnh hòa hiếu, đồng thuận cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị của chính quyền cơ sở.
Xác định MTTQVN đóng vai trò “nòng cốt” trong công tác HGCS, Chi bộ, Đảng đoàn UBMTTQVN tỉnh Đắk Nông đã ra nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo MTTQVN các cấp, khu dân cư, nơi tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tổ chức, người có uy tín, tiêu biểu các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo thực hiện tốt công tác hòa giải trên các nội dung chủ yếu sau:
Tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật HGCS, nhiều địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền. UBMTTQ các cấp hướng dẫn tuyên truyền công tác HGCS trong các hội nghị Ủy ban, giao ban định kỳ, gặp mặt các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người có uy tín trong cộng đồng. Từ năm 2019 đến nay, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh tổ chức 11 đợt tập huấn nghiệp vụ cho 810 lượt hòa giải viên, tuyên truyền 12 hội nghị phổ biến pháp luật với công tác HGCS cho 1.234 lượt người tham dự. UBMTTQVN tỉnh phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh tổ chức 11 hội nghị tập huấn pháp luật liên quan đến lĩnh vực: Quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, an toàn giao thông và các hội nghị chuyên đề hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình đầu tư, giám sát cộng đồng tạo cơ sở, tiền đề cho công tác HGCS. Tài liệu tập huấn được cấp phát đến “nhóm nòng cốt”, “câu lạc bộ pháp luật”; kịp thời tổ chức giám sát thực hiện các văn bản có liên quan đến HGCS, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, đề nghị giải pháp thực thi hiệu quả, phát hiện nhanh mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở để giải quyết “thấu tình, đạt lý”.
Đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở, phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của lực lượng tri thức, cán bộ hưu trí, người có uy tín trong cộng đồng. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 640 tổ hòa giải với 3.700 hòa giải viên, trong đó cán bộ Mặt trận tham gia làm hòa giải viên 835 người, Hội phụ nữ 620 hòa giải viên, còn lại nhiều hòa giải viên là hội viên Hội cựu chiến binh, người cao tuổi, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, cán bộ làm công tác pháp luật đã nghỉ hưu trên địa bàn… Đây là lực lượng đông đảo, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, xung đột rất phù hợp làm công tác HGCS. Việc bầu, công nhận, thôi nhiệm vụ hòa giải viên, bầu tổ trưởng tổ hòa giải chuẩn bị kỹ, tiến hành dân chủ đúng luật định, nhân sự có trình độ lý luận chính trị, từng công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, có uy tín, kinh nghiệm về hòa giải.
Công tác phối hợp giữa MTTQVN các cấp và cơ quan tư pháp cùng cấp trong thực hiện pháp luật về HGCS được chú trọng, nhất là khi có Nghị quyết liên tịch số 01/2014/CP-UBMTTQVN ngày 18/11/2004 về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về HGCS. Hàng năm Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác HGCS; chủ động kiểm tra công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền, trong đó có công tác HGCS; phối hợp tốt ngành Tư pháp trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật về HGCS.
Nhìn chung, hoạt động HGCS tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông triển khai có hiệu quả, từ đầu năm 2019 đến nay, các địa phương trong tỉnh tiếp nhận tổng số 851 vụ việc, trong đó hòa giải thành 525 vụ việc, đạt tỷ lệ 62%; hòa giải không thành 324 vụ việc. Một số địa phương tỷ lệ hòa giải thành ở mức cao như: Thành phố Gia Nghĩa (82%); huyện Đăk Song (85%)…
Tuy nhiên, công tác HGCS trong thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế: Một số nơi hoạt động hòa giải mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc hành chính hóa làm mất đi ý nghĩa, mục đích, bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận. Tỷ lệ vụ việc hòa giải thành đạt mức thấp so với bình quân chung của cả nước; nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải chưa kịp thời phát hiện và giải quyết kịp thời dẫn đến mâu thuẫn chuyển sang xung đột, tạo “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Năng lực hòa giải viên một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành, hòa giải viên chưa thực sự gần dân, sát dân, lắng nghe dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, khả năng phân tích tìm nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn dẫn đến khi phân tích quyền lợi của mỗi bên theo quy định của pháp luật thiếu thuyết phục khó hòa giải thành, thậm chí các bên tranh chấp còn thách đố, mang tính hơn thua nẩy sinh tranh chấp mới.
Một số địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực đảm bảo triển khai công tác hòa giải, hòa giải thành theo quy định thấp hơn 200 ngàn đồng (theo Thông tư 100) chưa đáp ừng yêu cầu thực tế hiện nay, có nơi còn trừ tiết kiệm 10% và thanh toán rườm rà, nhiều thủ tục; công tác khen thưởng, biểu dương, tôn vinh hòa giải viên giỏi chưa được quan tâm đúng mức; chưa chú trọng việc nhân rộng mô hình hòa giải viên cơ sở hoạt động hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới cần: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thực hiện của chính quyền cùng cấp, phối hợp chặt chẽ của MT TQVN và tổ chức thành viên trong công tác HGCS; kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên theo hướng nâng cao chất lượng: lựa chọn những người có tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng cộng đồng, uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống và có kiến thức pháp luật tham gia công tác hòa giải cơ sở; đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải, tăng mức chi cho vụ việc hòa giải thành; tăng cường, đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về HGCS, gắn công tác hòa giải với công tác dân vận theo hướng coi công tác hòa giải là một bộ phận của công tác dân vận của Đảng.
Nguyễn Phú Nghĩ