Thứ năm, 05/12/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Kết quả và giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/8/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020

Thực hiện Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 18/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, thời kỳ 2011-2020, Tỉnh ủy Đắk Nông đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/8/2011 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng và đạt được những kết quả đáng khích lệ, như sau:

Việc quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh cơ bản phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Trong giai đoạn 2011-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt quy hoạch bổ sung chức danh cán bộ lãnh đạo nhiệm kỳ 2010-2015 của 41 cơ quan, đơn vị với tổng số là 70 chức danh và 145 lượt cán bộ được quy hoạch. Công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 ở cả 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) được tiến hành đồng bộ, đảm bảo nguyên tắc, quy trình; chất lượng đội ngũ cán bộ đưa vào quy hoạch được nâng lên đáng kể cả về trình độ học vấn, chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Trên cơ sở kết quả quy hoạch cán bộ, việc xây dựng kế hoạch đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện một cách chủ động hơn, cơ bản khắc phục tính hình thức trong quy hoạch cán bộ. Sau quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch đào tạo, luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và chỉ đạo các đảng bộ xây dựng kế hoạch đào tạo, luân chuyển cán bộ quy hoạch thuộc cấp mình quản lý để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ.

Công tác tuyển dụng được thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, tổ chức thi tuyển theo nguyên tắc cạnh tranh, thực hiện đúng biên chế được giao, tuyển chọn những cá nhân có năng lực, trình độ chuyên ngành phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm. Trong giai đoạn 2011-2019, tỉnh đã tổ chức 04 kỳ thi tuyển công chức (khối Đảng, đoàn thể 01, khối Nhà nước 02, 01 kỳ thi chung phối hợp giữa khối Đảng và Nhà nước) với tổng số 1.811 thí sinh tham dự, qua đó đã tuyển dụng được 726 công chức bố trí công tác trong cơ quan, đơn vị hành chính khối Đảng và Nhà nước; các đơn vị sự nghiệp của tỉnh đã tuyển dụng được 2.933 viên chức trong tổng số 4.210 thí sinh đăng ký dự tuyển để bố trí trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị đã giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Trong 10 năm, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã xét cử 1.065 cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo tại các trường đại học, học viện trong và ngoài nước (trong đó: 11 trường hợp nghiên cứu sinh, 214 trường hợp đào tạo cao học, 840 trường hợp đại học và đại học văn bằng hai); cử tham gia đào tạo lý luận chính trị 2.805 trường hợp (trong đó: cao cấp 893 trường hợp, trung cấp 1.912 trường hợp). So với trước năm 2011, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đã có bước phát triển về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, cụ thể: ở trình độ sau đại học tăng từ 0,5% lên 2,97%, đại học từ 27,39% lên 54,47%; về lý luận chính trị: trình độ cử nhân, cao cấp tăng từ 3,33% lên 5,71%, trung cấp lý luận chính trị từ 8,02% lên 15,48%. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức sử dụng tin học vào công tác quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, sử dụng tối đa được nguồn lực vào quá trình thực thi công vụ.

Công tác tạo nguồn cán bộ trẻ trong những năm qua được chú trọng, năm 2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát lựa chọn 308 cán bộ, công chức trẻ dưới 40 tuổi được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đại học hệ chính quy tốt nghiệp loại trung bình khá trở lên và có năng lực nổi trội trong thực tiễn công tác để đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn dài hạn của tỉnh. Qua gần 10 năm điều chỉnh, bổ sung, hiện nay đội ngũ cán bộ nguồn của tỉnh gồm 221 đồng chí. Đây là đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; năng nổ, chủ động, sáng tạo trong công việc.

Để phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cần triển khai thực hiện một số giải pháp như sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về phát triển nhân lực.

2. Thực hiện công tác quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả.

3. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực: Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã, phường, thị trấn. Đổi mới nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, tổ chức thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp sở, trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; đào tạo, tuyển chọn và chuẩn hóa cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, nhằm đổi mới về chất lượng của nguồn nhân lực. Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy tham mưu, giúp việc về quản lý nguồn nhân lực ở các cấp, các ngành.

4. Tăng cường đầu tư ngân sách và đổi mới cơ chế chính sách cho phát triển nguồn nhân lực: Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để tăng nguồn vốn cho phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tôn vinh đãi ngộ và thu hút đối với những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, những người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ và những nghệ nhân, doanh nhân giỏi, những bác sỹ, dược sỹ, cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi về làm việc tại địa phương; đầu tư có lựa chọn đối với những học sinh, sinh viên giỏi có năng lực, có triển vọng phát triển tốt ở các trường đại học để sau khi ra trường tuyển về công tác tại tỉnh.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực: Tăng cường huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi như: chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và các nguồn lực khác,... để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp và cho xã hội, thu hút nhân tài.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực: Cử cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên giỏi đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách của tỉnh, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; khuyến khích du học tự túc hoặc được hỗ trợ một phần từ ngân sách của tỉnh. Hợp tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức

7. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tạo việc làm để thu hút nguồn nhân lực: Tập trung phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh như: chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, du lịch,... từ đó có định hướng đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, có cơ chế chính sách để phát triển mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực của tỉnh.

8. Đẩy mạnh cải cách hành chính: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Nguyễn Vương Duy Tân - Ban Tổ chức Tỉnh ủy