Thứ sáu, 18/10/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Một số giải pháp xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong Doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thuộc tỉnh Đắk Nông

Trong những năm qua, kinh tế ngoài nhà nước đã và đang phát triển mạnh mẽ, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào việc ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở tầm vĩ mô, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong Doanh nghiệp ngoài nhà nước. Kết luận 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã chỉ rõ: “Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị (khoá VIII), công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt được một số kết qủa bước đầu. Số tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân và số lượng đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng lên. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều mặt hạn chế cần khắc phục. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nội dung Chỉ thị của Bộ Chính trị: việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, chặt chẽ và thiếu đồng bộ; việc sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị chưa kịp thời. Số lượng tổ chức đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp còn thấp; nhìn chung vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp còn mờ nhạt, nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong tình hình mới”.

Đối với tỉnh Đắk Nông, ngay sau khi thành lập tỉnh, đã có nhiều chủ trương để phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, như Chỉ thị 29-CT/TU, ngày 20/01/2009 của Tỉnh ủy Đắk Nông “về thành lập tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội LHTN trong các doanh nghiệp tư nhân”; Công văn số 412-CV/BTC, ngày 24/5/2016 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy “v/v quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân”… đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.600 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông lâm nghiệp, một số kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước còn thấp, một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các chế độ đối với người lao động; tình trạng mâu thuẫn giữa doanh nghiệp với người dân địa phương còn xảy ra ở một vài nơi, nhất là trong tranh chấp đất sản xuất; nguyên nhân một phần do các doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đoàn thể để tuyên truyền vận động và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, nhận thức của một số lãnh đạo doanh  nghiệp và người lao động về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tích cực ủng hộ, tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể; công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý các sai phạm xảy ra; mặt khác, các doanh nghiệp trong tỉnh đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động trong doanh nghiệp chủ yếu làm theo thời vụ, không ổn định.

Chính vì vậy, việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ hết sức cần thiết, góp phần phối hợp vưới lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục. Tiếp tục quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, làm tốt chức năng quản lý của cơ quan nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức Đảng, đoàn thể, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đảng viên, tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp.

Hai là, xúc tiến xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Trước hết là ở những doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, hoạt động ổn định, thu hút nhiều lao động, rút kinh nghiệm để tiến hành ở các doanh nghiệp khác. Đảm bảo để tổ chức Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp hoạt động công khai, hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Đảng và điều lệ của các đoàn thể, hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, cụ thể: (1) Đối với Doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng: Tiến hành khảo sát, nắm chắc số lượng, tình trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Căn cứ các quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng để xây dựng quy chế hoạt động, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng loại hình doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ đối với tổ chức đảng và đảng viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắt phát sinh. (2) Đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng: Tiến hành khảo sát, rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong các doanh nghiệp nhưng sinh hoạt đảng nơi khác, nếu có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định thì chỉ đạo chuyển sinh hoạt đảng của số đảng viên đó về doanh nghiệp để lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp.

Ở những doanh nghiệp chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa có đủ điều kiện lập tổ chức đảng, thực hiện tăng cường đảng viên của Cấp ủy cấp trên nơi doanh nghiệp đứng chân có kinh nghiệm đến làm việc, chỉ đạo, phối hợp với các đoàn thể trong doanh nghiệp tiến hành công tác giáo dục quần chúng, phát triển đảng viên, tạo tiền đề, điều kiện để thành lập tổ chức Đảng.

Ba là, làm tốt công tác phát triển đảng viên, quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng. Phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên, thông qua hoạt động để lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục đoàn viên, hội viên giới thiệu cho Đảng. Cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, quy trình kết nạp đảng viên, phù hợp với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Nghiên cứu các chế độ chính sách, tạo cơ hội cống hiến, thẳng tiến, cơ hội học tập, phát hiện những người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt để đưa vào quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý… tạo động lực để người lao động trong doanh nghiệp tư nhân rèn luyện, phấn đấu vào Đảng. Tăng cường công tác thuyết phục, vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về Đảng cho các chủ doanh nghiệp, người lao động; sẵn sàng kết nạp người lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, chú trọng đối tượng có trình độ chuyên môn tay nghề bậc trung cấp trở lên.

Bốn là, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy đảng. Tiếp tục quán triệt các quy định, hướng dẫn của Trung ương, cụ thể hóa cho phù hợp điều kiện hoạt động của tổ chức Đảng trong loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là phương thức lãnh đạo, nội dung, hình thức, thời gian sinh hoạt, công tác cán bộ, công tác phát triển đảng viên… để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Phân công cấp ủy viên cấp trên tại địa bàn doanh nghiệp đứng chân tham gia, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hằng năm, kiểm tra rà soát, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến; gắn hiệu quả công tác chỉ đạo và các tiêu chí để đánh giá tổ chức, cán bộ.

Năm là, phát huy vai trò quản lý Nhà nước, sự phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đảm bảo doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật lao động; các quy định về hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, chủ doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động: gặp gỡ, đối thoại với các chủ doanh nghiệp để tìm các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường sự phối hợp các thành viên trong hệ thống chính trị, đảm bảo công  tác quốc phòng, an ninh trật tự trên địa bàn doanh nghiệp đứng chân và trong các doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, kịp thời tháo gỡ các mâu thuẫn phát sinh giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc đình công, lãnh công không đúng quy định của pháp luật.

Sáu là, có chính sách hộ trợ các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định của Trung ương về các chế độ chi phục vụ công tác Đảng, trước mắt thực hiện đầy đủ chế độ chi hoạt động công tác Đảng theo quy định tại các Quyết định 99-QĐ/TW, ngày 30/5/2012, 169-QĐ/TW, ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư.

             Nguyễn Khắc Trung - Đảng ủy Khối