Thứ năm, 05/12/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Quan tâm, thực hiện tốt công tác thảo luận tại đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội đảng bộ, chi bộ ở cơ sở là cuộc sinh hoạt chính trị đặc biệt sâu rộng trong toàn đảng bộ, chi bộ, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt hoạt động của đảng bộ, chi bộ, từ các hoạt động xây dựng nội bộ đến lãnh đạo mọi mặt đời sống xã hội và các tổ chức trong hệ thống chính trị và các tổ chức khác. Đại hội là nơi tập trung trí tuệ của cán bộ, đảng viên để tranh luận, thảo luận về các quan điểm, chủ trương lớn, mới của tổ chức đảng cấp trên và của Đảng; kiểm điểm, đánh giá một cách toàn diện mọi mặt hoạt động của đảng bộ, chi bộ. Đây cũng là dịp tốt để từng đảng viên nghiêm khắc nhìn nhận lại mình để có hướng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và Nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đa đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa, cho nên toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm đại hội thành công tốt đẹp. Đại hội Đảng là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rộng khắp cho toàn Đảng, cho nên tất cả đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận”[1].

Có thể nói, việc thảo luận trong Đại hội Đảng nhằm nâng cao tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong Đảng, đồng thời, thực hiện nghiêm túc quyền của đảng viên, duy trì thành nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan, công tâm và trên tình đồng chí, tôn trọng lẫn nhau giữa những người cộng sản. Bởi, Đại hội Đảng là diễn đàn dân chủ, là nơi phát huy tính sáng tạo của đảng viên để tìm chủ trương, giải pháp, qua đó, các nguyên tắc của Đảng được thực thi, nhất là nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc tập trung dân chủ..., góp phần to lớn nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.

Về mục đích thảo luận các văn kiện trong đại hội, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng là dịp để đảng viên rèn luyện chính trị, tức là rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, khả năng hoạch định đường lối chính trị của Đảng, khi thảo luận phải tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trung tâm và cấp bách của địa phương, đơn vị mình; đồng thời, phải có tinh thần quyết tâm cao, thảo luận cho kỳ được. Theo đó, Đại hội Đảng “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình, phải gom hết ý kiến của đảng viên để Trung ương chuẩn bị đại hội Đảng cho thật tốt”[2].  

Về nội dung thảo luận, Bác nói: “Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt. Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít”[3]. Cùng với đó, Trong Đại hội, người điều hành thảo luận cần nêu những vấn đề cần tập trung thảo luận, cần thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, gợi ý những điểm cần đi sâu phân tích, kết luận. Qua thảo luận, từng vấn đề được biểu quyết, những vấn đề chưa kết luận cần được ghi lại để báo cáo cấp trên, hoặc trong hội nghị, nếu có đại biểu cấp trên tham dự cần tranh thủ ý kiến của đồng chí đó.

Bên cạnh đó, Bác dặn: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng”[4]. Người yêu cầu mỗi đảng viên phải nghiên cứu kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng để thấy những điểm hợp lý và chưa hợp lý của của dự thảo; một mặt, phải liên hệ chặt chẽ việc thực hiện Điều lệ Đảng ở chi bộ, đảng bộ mình. Mặt khác, phải nêu cao tinh thần tự phê bình, chủ động khắc phục những khuyết điểm gắn với tích cực trau dồi phẩm chất và đạo đức cách mạng của người đảng viên, góp phần xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh.

Có thể nói, những chĩ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thảo luận trong Đại hội Đảng là những nguyên tắc cơ bản và nền nếp trong xây dựng Đảng, hướng đến việc “Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên; Đoàn kết và củng cố tốt chi bộ; Đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đã đề ra”[5]. Do vậy, trong tranh luận, thảo luận, có những ý kiến khác nhau hoặc hoàn toàn không khớp nhau đó cũng là điều đương nhiên. Ngược lại, sự nhất trí quá dễ dàng, không cần đến tranh luận, thảo luận không phải lúc nào cũng chứng tỏ sự thống nhất cao. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc thảo luận, tranh luận là một trong những hình thức sinh hoạt đảng, phát huy trí tuệ, tiếp cận chân lý, để thống nhất nhận thức, hành động trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây còn là việc phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; đồng thời giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Vấn đề thảo luận trong Đại hội Đảng được quy định tại Khoản 2, Điều 18 Điều lệ Đảng được Đại hội Đảng lần thứ XII thông qua đã nêu rõ về công việc của Đại hội Đảng: “Đại hội thảo luận văn kiện của cấp ủy cấp trên; đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua; quyết định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; bầu cấp ủy; bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên”[6]. Như vậy, thảo luận trong đại hội là những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của Đảng (thông qua Điều lệ Đảng) và những định hướng mang tính chiến lược trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Hiện nay, vấn đề thảo luận trong Đại hội Đảng có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chúng ta đang thực hiện đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của đại hội cấp trên trực tiếp và Đại hội XIII của Đảng, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ý kiến đóng góp tại đại hội đảng bộ các cấp và của các tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng, thể hiện ý Đảng, lòng dân, có giá trị thực tiễn phong phú, sinh động để Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện”.

Cùng với đó, một trong những yêu cầu căn cốt trong Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra, đó là: “Lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên”[7]. Đồng thời khẳng định: “Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, các cấp ủy cần nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả... Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh “qua loa”, hình thức; các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng”[8].

Trong Kế hoạch số 132-KH/TU, ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Tỉnh ủy Đắk Nông về việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp, chú trọng thảo luận kỹ văn kiện đại hội của cấp mình”[9]. Thông qua thảo luận, đóng góp ý kiến, cấp ủy cấp dưới có thêm gợi ý và định hướng để bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện của cấp mình. Những ý kiến tâm huyết, xác đáng, hợp lý, có tính xây dựng phải được trân trọng nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu nghiêm túc. Bên cạnh đó, đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau phải phát huy cao độ trách nhiệm, trí tuệ của tập thể, cá nhân, dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, tranh luận nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất, đạt được sự đồng thuận.

Có thể nói, việc thảo luận trong Đại hội Đảng nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tích cực đóng góp ý kiến các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng văn kiện, đặc biệt là đề án nhân sự trên tinh thần dân chủ trước khi đi đến thống nhất, qua đó phát huy cao nhất trí tuệ tập thể, mỗi tiếng nói, mỗi ý kiến đều mang tính thiết thực, gắn chặt lý luận sắc sảo với thực tiễn sinh động, soi chiếu các vấn đề, đổi mới và khoa học.

Cẩm Trang

 

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2002, t.10, tr. 117

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.544

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.137

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.543.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.117-119

[6] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam

[7] Chỉ thị 35 ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

[8] Chỉ thị 35 ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

[9] Kế hoạch số 132 - KH/TU, ngày 15-8-2019 của Tỉnh ủy Đắk Nông về việc Tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.