Thứ sáu, 22/11/2024
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”! - Nhiệt liệt chào mừng 20 năm ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (01/01/2004 – 01/01/2024)!

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng

 

Xác định tầm quan trọng của Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 08/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng; đồng thời, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan đơn vị trong chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng.

Hàng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xây dựng và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các TCCS đảng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Đặc biệt, năm 2020, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 04 TCCS đảng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy (kiểm tra 02, giám sát 02); các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Khối kiểm tra 03 cuộc, giám sát 01 cuộc; lãnh đạo, chỉ đạo 76/76 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 46 tổ chức đảng trực thuộc (gắn với trách nhiệm người đứng đầu 46 đảng viên) và 834 đảng viên (trong đó: kiểm tra 600 đảng viên, giám sát 234 đảng viên) chấp hành theo Điều 30 Điều lệ Đảng; cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 25 trường hợp bằng hình thức khiển trách, tăng 15 trường hợp so với năm 2019, UBKT Đảng ủy Khối thi hành kỷ luật 02 trường hợp (khai trừ 01, khiển trách 01); đình chỉ sinh hoạt Đảng 01 đồng chí.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hàng năm giúp ngăn ngừa hành vi tham nhũng, giúp cho các tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy thấy được những ưu điểm để phát huy, đồng thời khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị mình. Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, 01 năm thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 08/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp chưa có trường hợp nào phải tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí thuộc phạm vi do mình quản lý, phụ trách.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nên chưa phát huy được vai trò đấu tranh trên thực tế; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng rèn luyện; lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh; cố ý làm trái những quy định để vụ lợi dẫn đến nhiều sai phạm làm thiệt hại tài sản Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; công tác cải cách hành chính còn chậm, kết quả chưa rõ nét; việc kê khai tài sản thu nhập còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, dàn đều nên tình hình vi phạm (nhũng nhiễu, vòi vĩnh, …) trong giải quyết công việc liên quan đến công dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, các TCCS đảng cần chú trọng thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động về quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đưa nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng vào sinh hoạt định kỳ của các tổ chức đảng và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2010 của Ban Bí thư về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo các TCCS đảng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, thực hiện nghiêm các quy định phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý vụ việc các hành vi tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hóa"; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Bốn là, phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập thông tin về những hành vi tham nhũng. Coi trọng việc phát hiện và xử lý những kẻ tham nhũng có chức vụ cao để có tác dụng cảnh báo, giáo dục, răn đe, ngăn chặn; đồng thời không coi nhẹ việc xử lý người giữ chức vụ hoặc công vụ ở cấp thấp có hành vi tham nhũng, vi phạm kỷ luật hành chính.

Năm là, chú trọng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tố chất của cán bộ đưa tác phong cán bộ vào quy phạm, việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng tồn đọng và các vụ việc mới phát sinh; xử lý kịp thời các tố cáo, khiếu nại, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể vi phạm; có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân vi phạm hoặc thiếu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện.

Sáu là, cần thiết lập một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Do vậy, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị "tha hóa"; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Lê Thị Thúy Hằng - UBKT Đảng ủy Khối