Nghĩ về chữ "KỶ CƯƠNG" trong phương châm Đại hội XIII của Đảng
Điều lệ Đảng quy định: "Đảng Cộng sản Việt Nam được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng". Theo đó, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, phải giữ vững kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh để luôn xứng đáng là "đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc".
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển". Tại Đại hội XIII của Đảng, việc đưa từ "KỶ CƯƠNG" vào phương châm Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, khi Đảng đang thực hiện quyết liệt các biện pháp để xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc lập lại kỷ cương, siết chặt kỷ luật đảng, nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ, các quy định nhằm ràng buộc, kiểm soát quyền lực như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền… đã thể hiện sự nghiêm minh, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong nội bộ Đảng. Thực tế cho thấy trong nhiệm kỳ qua, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu, điều đó thể hiện, không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ" trong xử lý vi phạm.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, phần phương hướng nhiệm vụ nêu rõ: "Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát". Do đó, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên, không để các vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn. Phải chú trọng kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu, nhất là với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, kết hợp đồng bộ giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, công tố, xét xử, đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác kiểm tra phải có bản lĩnh, kiên cường, phải nắm vững các quy định của Đảng và nhà nước và trên hết, phải "liêm" và "sạch".
Nguyễn Khắc Trung - Đảng ủy Khối